Hiến máu hiếm cứu người
Những ngày cuối năm 2020, liên tiếp 6 thành viên của CLB nhóm máu hiếm Rh- tham gia hiến máu cứu người nguy cấp đã góp phần lan tỏa nghĩa cử cao đẹp và rất đáng tôn vinh.
Lần thứ hai, chị Nguyễn Thị Thu Thảo tự đón xe từ huyện Phù Mỹ vào BVĐK tỉnh để hiến máu cứu người trong đêm.
8 giờ tối 26.12, điện thoại của chị Nguyễn Thị Thu Thảo (xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ) đổ chuông dồn dập. “Alô! Chị Thảo ơi, có ca TNGT rất nặng từ tỉnh Gia Lai chuyển xuống BVĐK tỉnh đang thiếu máu, chị vào ngay được không?”. “Được em!” Chị trả lời không chút do dự với người cán bộ của Trung tâm Huyết học và Truyền máu tỉnh như vậy. Nhờ chồng ru hai con ngủ, chị tức tốc cùng một người bạn gần nhà đón xe chạy thẳng vào Quy Nhơn.
Hiến máu xong, chị và bạn lập tức quay về dưới cơn mưa đêm tầm tã. “Đến nhà lúc 11 giờ rưỡi, thấy cha con đã say giấc. Lúc đó tôi mới nhớ ra là tháng trước bác sĩ cảnh báo tôi bị thiếu máu, nhưng sau đó tôi đã bồi bổ nhiều, chắc đã đủ. Cũng giống như lần hiến máu trong đêm trước đây, trong đầu tôi chỉ nghĩ một chuyện duy nhất là làm sao có mặt nhanh nhất để cho máu người hoạn nạn thôi” - cô gái đầy lòng nhân hậu đã chia sẻ vậy. Cũng trong đêm 26.12, cùng với chị Thảo, từ huyện Tây Sơn, chị Phan Thị Thúy Phượng đã tức tốc cùng chồng chạy xe máy vào BVĐK tỉnh giúp ca cấp cứu máu hiếm này và trở về nhà gần 2 giờ sáng hôm sau.
Bà Nguyễn Thị Diệu, mẹ của bệnh nhân từ Gia Lai xuống BVĐK tỉnh cấp cứu tỏ ra xúc động, cho biết: “Cháu đang học lớp 10, chuẩn bị thi học kỳ I thì bị TNGT, đa chấn thương rất nặng. Bác sĩ bảo cháu bị thiếu máu nghiêm trọng. Ngay trong đêm 26.12, 9 người nhà đã đến hiến nhưng không người nào trùng nhóm máu với cháu. Tôi đã gần như tuyệt vọng thì nghe thông tin có một số anh, chị đến cho máu, đã truyền cho cháu
3 bịch rồi. Nghe kể lại là có chị gì ở huyện Phù Mỹ, cho xong rồi về, tôi không gặp được. Hôm sau có anh Hiền (Mai Xuân Hiền, Chủ tịch Hội CTĐ huyện Tuy Phước) đến cho máu rồi thăm hỏi, động viên tôi cùng gia đình. Thời gian tới, các bác sĩ sẽ tiếp tục phẫu thuật cho cháu, một số anh chị dặn: Biết ngày mổ thì gọi báo họ để họ huy động sẵn người cho máu. Tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn tấm lòng nhân hậu của mọi người. Họ chỉ cho đi mà không nhận lại bất kỳ thứ gì của người nhà cả”.
Anh Mai Xuân Hiền, Chủ tịch Hội CTĐ huyện Tuy Phước, khẳng định chỉ muốn gửi tấm lòng mình đến những hoàn cảnh kém may mắn.
Trưa 29.12, sản phụ Nguyễn Thị Thu Thảo, sinh năm 1996 quê huyện Phù Cát đã sinh mổ cậu con trai bụ bẫm 3,1 kg trong niềm vui khôn xiết của người thân, bạn bè. Gần 1 tháng trước, biết mình thuộc nhóm máu hiếm, vợ chồng chị Thảo đã chủ động liên hệ với CLB máu hiếm Rh- và trước ngày chị mổ, đã có 3 người vào bệnh viện cho máu. Anh Huỳnh Văn Ty, chồng chị Thảo thở phào: “Tôi đã từng hoang mang tột độ, nghĩ cả đến việc vào TP Hồ Chí Minh như cách nhiều người lâu nay vẫn làm. Có được tâm lý thoải mái, vợ tôi tự tin bước vào phòng mổ. Con trai hiện đang ở khoa Nhi sơ sinh để theo dõi khả năng bị bất đồng nhóm máu. Nếu bị vậy thì sẽ tiến hành lọc máu và đã có sẵn những túi máu hiến đầy nghĩa tình này rồi”.
Theo bác sĩ Võ Đình Lộc, phụ trách Trung tâm Huyết học - Truyền máu tỉnh, Chủ nhiệm CLB Nhóm máu hiếm Rh-, ở Việt Nam, trong 10.000 người thì mới có 4 - 7 người mang nhóm máu Rh-. Nhiều người ví von “máu hiếm quý hơn vàng” vì nó chỉ nhận của chính nó, trong trường hợp quá nan giải thì không biết xử lý như thế nào? Cho nên, những người thuộc nhóm máu Rh- luôn đối mặt với nguy cơ rủi ro rất cao. Vậy nên, CLB nhóm máu hiếm Rh- ra đời mang trong mình sứ mệnh rất quan trọng. “Qua 6 tháng đi vào hoạt động, CLB đã khẳng định được sự cần thiết, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, sẵn sàng giúp đỡ người khác của cộng đồng máu hiếm trong tỉnh. Vì hơn ai hết, chính họ hiểu rất rõ giá trị dòng máu trong người mình và sự khó khăn khi cần trợ giúp. Trong năm 2021, tôi kêu gọi những người có nhóm máu hiếm Rh- hãy tham gia vào CLB, cùng chung tay lan tỏa tinh thần Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, ông Lộc nhắn nhủ.
NGỌC TÚ