20 năm thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa:
Làng xóm bình yên, lòng người rộng mở
Tính đến năm 2020, tỉnh Bình Ðịnh thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tròn 20 năm. Nhìn lại chặng đường vừa qua, phải khẳng định rằng, phong trào đã góp phần tạo nên bộ mặt đô thị, nông thôn văn minh, tình làng nghĩa xóm ngày càng đằm thắm.
Về các vùng nông thôn ở TX Hoài Nhơn, TX An Nhơn và các huyện Tây Sơn, Tuy Phước… điều dễ dàng nhận thấy là sự đổi thay với những ngôi nhà khang trang, tiện nghi, quanh nhà là những vườn rau xanh, vườn cây ăn quả tốt tươi. Dọc các tuyến đường bê tông nông thôn phẳng phiu là những hàng rào cây xanh, những dải hoa mười giờ… đua nhau khoe sắc, tạo cảm giác thư thái, an bình. Đây chính là những điểm nổi bật sau quãng thời gian thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa gắn với phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới.
Người dân làng 6, xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh) chung tay xây dựng hũ gạo tình thương, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho hay: Ngay từ những ngày đầu thực hiện, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận, hội, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Và điều quan trọng nhất chính là sự chung sức, đồng lòng hưởng ứng của quần chúng nhân dân. Nhờ vậy, các nội dung thi đua về nêu gương người tốt, việc tốt; xây dựng gia đình văn hóa; xây dựng làng, khu phố, thôn văn hóa; xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới… đều triển khai có hiệu quả cao.
Cuối năm 2020, toàn tỉnh có hơn 376.210 hộ được công nhận gia đình văn hóa; 1.023 khu dân cư được công nhận danh hiệu làng, khu phố văn hóa; 69 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, 17 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 1.504 cơ quan, đơn vị, DN đăng ký xây dựng đạt chuẩn văn hóa. Các huyện, thị xã, thành phố đã công nhận mới và bảo lưu đạt chuẩn văn hóa cho 1.226 cơ quan, đơn vị, DN.
Ở TX An Nhơn, điều dễ thấy nhất là “điện, đường, trường, trạm” được quan tâm đầu tư hoàn thiện. Nhờ vậy, môi trường, cảnh quan đô thị trở nên sáng - xanh - sạch - đẹp với 16 tuyến phố văn minh đô thị được công nhận. Đặc biệt, người dân đã chung sức, đồng lòng hiến đất mở rộng đường, chỉnh trang đô thị. Như ở phường Bình Định, phong trào hiến đất mở đường diễn ra rất sôi nổi với các điển hình: Ông Nguyễn Văn Tài, Nguyễn Ngọc Ngoan, Nguyễn Ngọc Châu, Hồ Văn Hổ… ở tổ 1, KV Kim Châu đã cùng nhau hiến hơn 2.000 m2 đất các loại để mở rộng đường Tăng Bạt Hổ.
20 năm thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã tạo điều kiện để người dân giữ gìn và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống; từng bước loại bỏ những tập tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư. Ông Nguyễn Đình Thảo, Trưởng Phòng VH&TT huyện Vĩnh Thạnh, phấn khởi: “Cư dân ở địa phương chủ yếu là đồng bào dân tộc Bana. Nếu trước kia nhà nào có người thân qua đời thì đến 49 ngày, 100 ngày hoặc giỗ đầu đều phải làm cỗ trả hiếu linh đình, thì nay lễ trả hiếu đã tổ chức gọn trong phạm vi gia đình, dòng họ. Việc tổ chức đám cưới ở làng trước kia kéo dài cả tuần, nay giảm chỉ còn 1- 2 ngày; gia đình khi có đám tang đều không để quá 48 giờ. Việc thực hiện hương ước, quy ước ở làng không chỉ góp phần phát huy thuần phong mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc mình, mà còn động viên, điều chỉnh để cộng đồng dân cư thực hiện nếp sống văn minh và xây dựng đời sống văn hóa mới”.
Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH&TT, đánh giá: “Sau 20 năm thực hiện, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã lan tỏa mạnh mẽ đến mọi ngóc ngách đời sống, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy KT-XH phát triển. Đây là minh chứng khẳng định một chủ trương đúng, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn hội nhập, góp phần đưa Bình Định ngày càng phát triển, vươn lên một tầm cao mới”.
Bài, ảnh: TRỌNG LỢI