Người đi “săn” kỷ vật kháng chiến
Ngay từ nhỏ, anh Nguyễn Văn Lực (42 tuổi, ở thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ, ảnh) đã có niềm yêu thích đặc biệt với những món đồ từ thời kháng chiến. Anh Lực cho biết: “Gia đình tôi vốn có một số vật dụng từ thời chiến tranh do ông bà để lại. Có những món đồ tôi sử dụng qua và tò mò về nguồn gốc của chúng nên đã mày mò, tìm hiểu thông qua sách vở. Dần dần niềm ham muốn sưu tầm những kỷ vật kháng chiến cứ thôi thúc tôi”.
Hiện nay, bộ sưu tập của anh Lực có tới hàng trăm món, không chỉ từ thời kháng chiến chống Mỹ mà còn từ giai đoạn chống thực dân Pháp. Có thể kể qua như cà mèn đựng cơm, bình toong, vỏ các loại đạn pháo, đèn bão… Đây là thành quả sau hơn 20 năm tìm kiếm, sưu tầm, trao đổi trên khắp mọi miền đất nước. Anh Lực kể: Giai đoạn đầu tôi lân la hỏi thăm bà con trong vùng để xin hoặc mua. Ban đầu nhiều người thấy lạ, cũng hỏi tới hỏi lui nhiều lắm nhưng khi quen rồi thì ủng hộ, thấy ở đâu có thứ gì hay hay cũng chịu khó báo tôi biết.
Trong quá trình sưu tầm, anh Lực gặp không ít khó khăn. Có những món đồ tuy rất bình thường, giản dị nhưng đối với chủ nhân lại mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt bởi chứa đựng kỷ niệm về một thời chiến đấu kiên cường. Thế nhưng, bằng tấm lòng chân thành và đam mê của một người sinh ra ở thời hậu chiến, anh Lực đã thuyết phục được họ để đón kỷ vật ấy về với bộ sưu tập của mình.
Để nhận biết những món đồ thuộc thời kỳ nào, có nguồn gốc từ đâu, anh Lực đã đọc nhiều tài liệu lịch sử và học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nhà sưu tầm kỷ vật kháng chiến khác. Đối với anh, mỗi một kỷ vật là một câu chuyện lý thú, cần được truyền lại cho thế hệ mai sau. Chính vì vậy, tại quán cà phê Gia Nguyễn (số 02 đường Thanh Niên, thị trấn Phù Mỹ), nơi anh trưng bày hầu hết bộ sưu tập của mình, giờ đây đã trở thành địa điểm gặp mặt, giao lưu của những người có chung mối quan tâm.
Bên cạnh những kỷ vật kháng chiến, anh Lực còn sưu tầm nhiều loại đồ cổ khác như đồ gốm có niên đại hàng nghìn năm, các loại xe cổ, máy hát đĩa than…
Bài, ảnh: M.THƯ - H.THÀNH