Tiến “nấm”
Nhiều người dân ở xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ) gọi anh Trần Quang Tiến (24 tuổi, quê xã Mỹ Đức) như vậy. Tiến hiện vừa làm chủ một cơ sở sản xuất nấm tại xã, vừa tham gia cùng 10 nông hộ khác trong xã thành lập HTXNN Hữu cơ Agribio, chuyên sản xuất các sản phẩm từ nấm.
Thế mạnh của Tiến là trồng được phôi nấm.
Tiến học ngành Công nghệ sinh học tại Trường ĐH Quy Nhơn nên am hiểu nhiều về nấm. Ra trường, đi làm cho một số công ty, DN một thời gian, anh quyết định về quê khởi nghiệp với nấm. Anh chọn nấm bởi biết rõ sản phẩm làm từ nấm là nguồn thực phẩm sạch, có nhiều dưỡng chất lại dễ dùng với tất cả mọi người. Anh tìm hiểu và biết ở huyện Phù Mỹ lúc đó đã có 3 cơ sở trồng nấm nhưng họ chuyên mua phôi về trồng, không tự làm phôi được. “Tôi có thể trồng được phôi. Vốn trong tay tuy không nhiều nhưng đủ để đầu tư cốt lõi. Nhân lực tại địa phương khá dồi dào. Thấy ổn, tôi mạnh dạn làm”, anh Tiến cho hay.
Nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo nên cơ sở sản xuất nấm của anh triển khai trong thực tế khá suôn sẻ, thời gian qua không ngừng khẳng định chất lượng, được thị trường dần ưa chuộng. Hiện tại, mỗi tháng, cơ sở sản xuất 400 kg nấm ăn và 90.000 bì phôi nấm, tạo việc làm cho 7 người với mức lương 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Còn mô hình HTXNN Hữu cơ Agribio cũng dần phát triển.
Anh Tiến cho biết: Năm 2021, tôi sẽ đầu tư thêm một số máy móc, trang thiết bị, giúp tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng nấm, giảm sự nhọc nhằn cho nhân công. Nhận xét về “sếp Tiến”, chị Đỗ Thị Trang, làm việc tại cơ sở được khoảng 6 tháng cho biết, chị và những người làm ở cơ sở cảm phục tâm huyết, nỗ lực lập thân, nghị lực sống mạnh mẽ, tính cách chan hòa, biết sống vì người khác của Tiến nên luôn ủng hộ hết mình. “Chúng tôi làm cho Tiến không tính toán giờ giấc gì cả, chỉ làm cho hết công việc mới về nghỉ. Ngoài việc quản lý cơ sở nấm, Tiến còn tích cực góp mặt vào các chương trình thanh niên khởi nghiệp của xã, hỗ trợ đắc lực cho công tác đoàn tại địa phương trong nhiều vai trò”, chị Trang cho hay.
Bài, ảnh: NGỌC NGA