Góp phần tôn vinh áo dài
Cả năm 2020, dịch Covid-19 đã khiến cho các kế hoạch trình diễn, tôn vinh áo dài (hưởng ứng đề cử “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” do Hội LHPN Việt Nam và Bộ VH-TT&DL triển khai) không thể diễn ra. Tuy vậy, việc hưởng ứng ở năm đầu tiên phát động vẫn đậm nét bằng nhiều cách lặng thầm và ý nghĩa.
Theo đó, từ phát động của Hội LHPN tỉnh và Ban nữ công LĐLĐ tỉnh, Tuần lễ áo dài (từ ngày 6.3) được hội viên, nữ công nhân viên chức, lao động ở các cơ quan, địa phương tham gia tích cực, tạo thành những ngày áo dài xuống phố, áo dài vào công sở… rộng khắp, tươi vui. Riêng cán bộ phụ nữ suốt năm qua vẫn duy trì mặc áo dài vào thứ Hai hằng tuần và trong các hoạt động của Hội, đồng thời khuyến khích phụ nữ trong tỉnh tăng cường mặc áo dài trong những dịp phù hợp, để lan tỏa vẻ đẹp, giá trị áo dài trong đời sống xã hội. Một số địa phương, đơn vị hưởng ứng thông qua các hoạt động như: Tặng vải áo dài cho cán bộ hội cơ sở (Hội LHPN phường Đống Đa, TP Quy Nhơn), trình diễn áo dài (Hội LHPN phường Hoài Tân, TX Hoài Nhơn)… Một cách tham gia phổ biến hiện nay là rủ nhau may áo dài đồng phục giữa những người bạn cùng nhóm, người thân trong gia đình hay hàng xóm, đồng nghiệp với nhau.
Giới thiệu bộ sưu tập áo dài “Phong cảnh quê hương Bình Định” của nhà thiết kế Ánh Hồng tại chương trình gặp mặt ngày 20.10 ở Hội LHPN tỉnh.
Một hoạt động ý nghĩa và tạo hiệu ứng lan tỏa là chương trình Áo dài tặng cán bộ hội cơ sở khó khăn, do CLB Nữ giám đốc doanh nghiệp tài trợ cho Hội LHPN TP Quy Nhơn thực hiện; tặng 24 bộ vải áo dài cho những cán bộ hội cơ sở thâm niên, tâm huyết. Ý nghĩa chương trình được nối dài khi nhà thiết kế áo dài Ánh Hồng (TP Quy Nhơn) góp thêm cho trọn vẹn món quà bằng việc tặng công may. Chị Đỗ Thị Thúy, cán bộ phụ nữ phường Quang Trung (TP Quy Nhơn), xúc cảm nói: “Đây quả là món quà thú vị, ý nghĩa trong đời làm công tác phụ nữ của tôi!”.
Cuối năm 2020, nhà thiết kế áo dài Ánh Hồng là đại diện duy nhất của Bình Định vào chung kết cuộc thi thiết kế áo dài Tự hào Áo dài Việt (nằm trong chuỗi các hoạt động thuộc sự kiện đề cử “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam) và đã đạt giải phong cách. Đặc biệt, tác phẩm đạt giải, ở hạng mục dành cho nhà thiết kế chuyên nghiệp, là bộ thiết kế áo dài “Phong cảnh quê hương Bình Định”. Đến với bộ sưu tập, người mặc, người xem được giới thiệu những địa danh nổi tiếng trong tỉnh: Eo Gió, Bãi Trứng, Hòn Sẹo, thác K50, tháp Đôi, tháp Cánh Tiên, tháp Bánh Ít, chùa Thiên Hưng… “Bộ sưu tập chứa đựng khao khát của tôi về quảng bá hình ảnh, vẻ đẹp quê hương Bình Định trên tà áo dài Việt Nam”, tác giả Ánh Hồng chia sẻ.
Giữa tháng 12.2020, Hội LHPN tỉnh và Chi hội Nữ trí thức tỉnh ra mắt “Tủ áo dài kết nối yêu thương”, đến nay đã có 100 bộ. Với thông điệp “ai cần đến lấy, ai nhiều mang cho”, ngoài tặng và nhận tại 52 Mai Xuân Thưởng, TP Quy Nhơn (địa chỉ về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh tổ chức), thông qua cán bộ phụ nữ ở cơ sở, Tủ sẽ chuyển tặng đến chị em nào có nhu cầu.
Có lẽ từ lâu, trong lòng người Việt, áo dài đã được mặc nhiên là “quốc phục”. Bên cạnh là trang phục lễ nghi, điều thú vị là tính đa năng, ứng dụng của áo dài rất rộng, còn là trang phục công sở, trang phục thời trang, trang phục biểu diễn…, đây là điều kiện thuận lợi để mỗi phụ nữ đều có thể tham gia tôn vinh, quảng bá áo dài.
Bài, ảnh: TƯỜNG MINH