Vốn tín dụng chính sách tiếp sức hộ nghèo
Năm 2020, vốn tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng CSXH thực hiện tiếp tục khẳng định vai trò là một trong những giải pháp hữu hiệu để triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Đảm bảo nguồn vốn
Giữa tháng 12.2020, tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra hoạt động tín dụng CSXH do ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Ủy viên Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH Việt Nam làm Trưởng đoàn, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh đã nhấn mạnh: Ban đại diện đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22.11.2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH. Nhằm đảm bảo có đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn toàn tỉnh, cùng với nguồn vốn cân đối từ Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND các cấp, các sở, ban, ngành liên quan đã luôn quan tâm đến việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong đó, tập trung cho người dân ở các huyện nghèo, thôn, xã đặc biệt khó khăn, xã xây dựng nông thôn mới.
Các hộ vay ở xã Canh Hòa, huyện Vân Canh trao đổi về việc sử dụng vốn vay CSXH với cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện.
Hiện nay, các hình thức nhằm đảm bảo nguồn vốn cho tín dụng CSXH là tập trung các nguồn vốn tín dụng CSXH có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước vào một đầu mối là Ngân hàng CSXH, ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước ủy thác qua Ngân hàng CSXH. Song song với đó là khai thác các nguồn vốn từ thị trường được ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất, thực hiện tốt việc nhận tiền gửi tại điểm giao dịch xã và từ người nghèo nhằm tạo thói quen tích lũy và hỗ trợ người nghèo từng bước tiếp cận với dịch vụ ngân hàng.
Đáng ghi nhận, vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương của tỉnh được bổ sung hàng năm với tốc độ tăng trưởng nhanh. Từ năm 2016 đến nay, tăng 219,4 tỷ đồng so với cuối năm 2015, nâng vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 245,7 tỷ đồng. Đặc biệt, so với năm 2019, nguồn ngân sách ủy thác năm 2020 tăng 114,1 tỷ đồng, tỷ lệ 86,2%.
Hỗ trợ kịp thời
Ở xã miền núi Canh Hòa, huyện Vân Canh, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận được vốn vay từ nhiều chương trình vay khác nhau.
Vay vốn CSXH từ năm 2016 đến nay để đầu tư cho trồng rừng, phát triển chăn nuôi, anh Đinh Văn Ngã (ở làng Canh Lãnh, xã Canh Hòa) phấn khởi khi nhắc đến vốn vay. Với anh, vốn vay chính là động lực giúp anh mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế gia đình; cũng là lời nhắc nhở để anh luôn trách nhiệm, có kế hoạch trả nợ đúng hạn. Anh chia sẻ: “Gần đây nhất, năm 2018, tôi vay 50 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Hai năm làm ăn, trồng rừng, trồng mì, tôi đã trả được gần hết số tiền vay. Không có vốn vay của Ngân hàng CSXH, tôi không biết mượn đâu ra số tiền như vậy để mua cây, con giống”.
Là người khuyết tật, anh Nguyễn Đăng Phúc (ở 536 Quang Trung, khu phố An Kiều, thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát) rất vui mừng khi được tiếp cận vốn vay giải quyết việc làm từ chuyển nguồn vốn cho vay xuất khẩu lao động trong năm 2020. Sau khi sắm các máy móc đời mới phục vụ cho cơ sở in ảnh, thiệp mời của mình, anh và vợ có thêm điều kiện nâng cao năng suất, chất lượng công việc và tăng thu nhập.
“Cuộc sống sẽ khó khăn hơn với những người khuyết tật. Vì vậy mà tôi xác định cố gắng nhiều lần hơn. Ngoài cơ sở in, tôi còn làm thợ hàn. Tôi cố gắng để sử dụng vốn hiệu quả, tạo nền tảng để chăm lo tốt hơn cho 2 con”, anh Phúc tâm sự.
Theo Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, đến ngày 26.12.2020, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 4.305,8tỷ đồng, tăng 496,4 tỷ đồng so với năm 2019 với hơn 93.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vốn tín dụng CSXH tiếp tục hỗ trợ kịp thời vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh cho gần 4.000 hộ gia đình vay sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên thoát nghèo; giải quyết được việc làm cho hơn 9.000 lao động trong nước và gần 100 lao động đi làm việc tại nước ngoài. Đồng thời, giúp cho hơn 10.000 hộ gia đình ở nông thôn xây dựng công trình nước sạch sinh hoạt và công trình vệ sinh; tạo điều kiện cho hơn 1.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; hỗ trợ xây dựng gần 400 nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg và theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg.
Bài, ảnh: NGUYỄN MUỘI