Ngăn ngừa biến chứng của tăng huyết áp
Tăng huyết áp ngày càng phổ biến, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời bệnh có thể gây nguy hiểm tới tính mạng. Tăng huyết áp có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng cho các cơ quan như tim, não, thận… Bác sĩ Phan Nam Hùng - Phó trưởng khoa Nội tim mạch, BVĐK tỉnh - cho biết, tác động của tăng huyết áp khiến mạch máu co giãn quá mức cho phép, mô sẹo cũng dần hình thành và làm cho mạch máu trở nên hẹp hơn. Nếu không được phát hiện kịp thời, tình trạng trên sẽ ngày một nghiêm trọng, làm xuất hiện máu đông và nghẽn luồng lưu thông máu đến các cơ quan quan trọng, dẫn đến nguy cơ đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim. Đồng thời, còn gây rối loạn nhịp tim, gây tổn thương đường dẫn truyền, dẫn đến suy đa phủ tạng, tim bị lỗi nhịp trầm trọng, người bệnh đang đi có thể bị ngất hoặc bị ngã, nguy hiểm đến tính mạng.
Bên cạnh đó, tăng huyết áp cũng gây biến chứng tai biến mạch não: Khi huyết áp lên quá cao, mạch máu não không chịu nổi áp lực cao có thể bị vỡ, lúc đó bệnh nhân bị xuất huyết não, gây liệt nửa người, liệt hoàn toàn, nặng thì có thể tử vong. Tăng huyết áp làm hẹp mạch máu nuôi não, nếu mảng xơ vữa bị nứt, vỡ, làm hình thành cục máu đông, tắc mạch máu não gây nhũn não. Tăng huyết áp làm hẹp động mạch cảnh, động mạch não, máu bơm lên não không đủ khiến bệnh nhân thấy chóng mặt, hoa mắt, có khi bất tỉnh. Cao huyết áp có thể dẫn đến suy thận, gây phình động mạch chủ, hẹp động mạch đến các chi…
Điều quan trọng nhất trong việc điều trị tăng huyết áp là tìm được nguyên nhân, nhằm chữa trị tận gốc. Trong trường hợp chưa tìm được nguyên nhân thì dùng thuốc hạ huyết áp, nhằm tránh biến chứng, phòng ngừa tổn hại đến các cơ quan trên cơ thể. Để ngăn ngừa biến chứng của bệnh tăng huyết áp cần tránh ăn mặn; tránh rượu, bia, thuốc lá, các thực phẩm có nhiều mỡ động vật. Hạn chế ăn các loại thịt đỏ, các loại sữa béo, lòng đỏ trứng, phủ tạng động vật, tiết động vật, các loại thức ăn nhanh và những món ăn chế biến sẵn; nên ăn nhiều rau, trái cây. Giảm cân ở người thừa cân hoặc béo phì.
Bên cạnh đó, mọi người cần đo huyết áp định kỳ; thực hiện 1 lần/năm với người dưới 40 tuổi và 2 lần/năm với người từ 40 tuổi trở lên. Mỗi người cần biết rõ số đo huyết áp như số tuổi của mình. Khi có các triệu chứng: Nhức đầu, hoa mắt, khó nói nhất thời, tiểu đêm, bỗng dưng thấy tê, yếu tay chân, mặt hay đỏ bừng… cần đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra.
MINH PHƯỢNG
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)