AN TOÀN THỰC PHẨM PHỤC VỤ TẾT:
Mở đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra
Ðối tượng được thanh tra, kiểm tra chủ yếu là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố…
Các đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh sẽ tập trung kiểm tra ATTP các mặt hàng tiêu thụ nhiều trong dịp Tết, lễ hội như thịt và sản phẩm từ thịt, bánh, mứt, kẹo…
Tăng cường công tác kiểm tra
Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa lễ hội Xuân 2021 trên địa bàn tỉnh, do UBND tỉnh ban hành ngày 30.12.2020, yêu cầu từ nay đến hết ngày 12.3.2021, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các cơ quan chức năng tỉnh sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra công tác quản lý về ATTP. Cấp tỉnh sẽ tổ chức 3 đoàn thanh tra liên ngành ATTP.
Năm 2020, 475 đoàn thanh tra, kiểm tra ATTP đã thanh, kiểm tra 5.056 cơ sở sản xuất, kinh doanh; xử lý 37/263 cơ sở vi phạm với hơn 90 triệu đồng. Trong năm xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm (3 người mắc) tại huyện Vân Canh, do uống rượu ngâm rễ cây; không có vụ ngộ độc thực phẩm trên 30 người mắc, và không có tử vong do ngộ độc thực phẩm.
Theo ông Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc Sở Y tế - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về ATTP - công tác thanh, kiểm tra tập trung vào cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm; kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Mặt hàng kiểm tra chủ yếu là thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết và lễ hội như thịt, sản phẩm từ thịt; bia, rượu, nước giải khát; bánh, mứt, kẹo; phụ gia thực phẩm…
Các đoàn cấp tỉnh thanh tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hết hạn sử dụng. Các đoàn kiểm tra cấp huyện, xã kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do địa bàn quản lý.
Dự báo mức tiêu thụ thực phẩm dịp Tết năm nay sẽ tăng hơn ngày thường từ 12 - 15%, Sở Công Thương đã làm việc với các DN, tổ chức để lên kế hoạch dự trữ lượng hàng hóa trị giá khoảng 2.100 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Ngành chức năng khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm... ưu tiên nhập và kinh doanh mặt hàng thực phẩm có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, giúp người tiêu dùng và cơ quan chức năng dễ dàng giám sát nguồn gốc hàng hóa.
Kiên quyết xử lý vi phạm
Theo ông Trần Đức Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bình Định, thị trường thực phẩm đã bắt đầu sôi động để chuẩn bị cho mùa lễ, Tết. Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao cũng kéo theo nhiều nguy cơ gây mất an toàn. Hoạt động vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, kém chất lượng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, đáng lo ngại là thực phẩm tươi sống không rõ nguồn gốc. Cục Quản lý thị trường đã chủ động phân công cán bộ, công chức quản lý địa bàn, lĩnh vực nắm bắt diễn biến thị trường, cung cầu, giá cả các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết.
Những ngày cuối năm 2020, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý lượng lớn thực phẩm phục vụ Tết và hàng tiêu dùng lưu thông thị trường nhưng không có hóa đơn chứng từ, vi phạm nhãn hàng hóa. Ngày 23.12.2020, Đội Quản lý thị trường số 3 kiểm tra trên khâu lưu thông tạm giữ 1.002 kg mứt trái cây các loại, quả sấu ngâm giòn và 860 kg hạt dẻ, hướng dương, hạnh nhân, 40 hộp táo đỏ sấy khô loại 1.000 g/hộp… Trước đó, cũng trong tháng 12.2020, kiểm tra 2 ô tô tải, Đội Quản lý thị trường số 3 phối hợp với Đội 3, Phòng PC 03 (CA tỉnh) đã tạm giữ 290 bì xí muội (loại 500 g/bì), 2.592 bì rong biển, 56 lon đào đóng hộp (loại 850 g/lon)…
Ông Nguyễn Văn Trung cho biết thêm: “Bên cạnh thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, các ngành, địa phương sẽ tăng cường thanh, kiểm tra đột xuất nhằm hạn chế tối đa thực phẩm không bảo đảm ATTP lưu thông thị trường; xử lý kiên quyết vi phạm, cung cấp thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết. Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về ATTP tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các quy định pháp luật về ATTP; hành vi bị cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; xử phạt vi phạm ATTP... nhằm nâng cao ý thức cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, phân phối thực phẩm cũng như trang bị kiến thức cho người dân để tự bảo vệ mình”.
Bài, ảnh: MAI HOÀNG