Cần ứng xử có văn hóa sau va chạm giao thông
Sau khi xảy ra va chạm giao thông, nhiều người bất chấp đúng sai, lý lẽ, nhẹ thì chửi bới, nhục mạ nhau, nặng thì lao vào ẩu đả, hành hung, thậm chí giết người. Ðáng lo ngại là hiện tượng này có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây.
Người trong cuộc cãi vã sau một vụ va chạm giao thông ở TP Quy Nhơn.
Sau va chạm là “động thủ”
Văn hóa giao thông là câu chuyện không mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ. Trên thực tế, rất dễ bắt gặp các vụ cãi vã, ẩu đả sau khi xảy ra va chạm giao thông. Khi hiện trường còn ngổn ngang, những người liên quan không cần biết đúng sai đã lao vào xô xát, gây mất ANTT, ùn tắc giao thông. Nhiều vụ để lại hậu quả nghiêm trọng, đau lòng.
Những ngày qua, một clip được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội đã gây bức xúc trong dư luận. Chỉ từ vụ va chạm giao thông nhỏ nhưng đối tượng đã có hành vi côn đồ, hung hãn khi liên tục đạp vào mặt, dùng gậy 3 khúc vụt vào đầu một học sinh nữ. Đối tượng đã bị cơ quan CA tỉnh Bình Dương bắt giữ.
Khi vụ việc kia chưa lắng xuống thì mới đây, tại Tây Ninh lại xảy ra vụ một nữ sinh khác bị đánh đập sau TNGT. Nữ sinh trên đường đi xe đạp đến trường đã va chạm với một phụ nữ đi bộ. Ngay sau đó, người thân của phụ nữ này lao đến đánh túi bụi nữ sinh khiến em phải nhập viện.
Mới nhất, chiều 25.12.2020, Trương Ngọc Tuấn (26 tuổi, ở TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) lái xe tải chở đất trên một con hẻm ở TP Dĩ An. Lúc này ông Nguyễn Ngọc Lực (40 tuổi, ở huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) đi xe máy cùng chiều vượt lên trước đầu xe tải của Tuấn. Tuấn lái xe vượt qua xe máy của ông Lực và chặn đầu. Hai bên xảy ra cãi vã, ông Lực không cho Tuấn bỏ đi, Tuấn lấy một cây gậy bi da trên xe đánh liên tục vào người ông Lực khiến nạn nhân chết tại chỗ.
Hiện nay chưa có thống kê chính thức về số người bị tổn thương sau những vụ ẩu đả chỉ vì va chạm giao thông. Song, có thể thấy, tình trạng này thường xảy ra với những người ngang tàng, cộc tính, nhất là khi trong người đã có hơi men, để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Ở TP Quy Nhơn từng xảy ra vụ án hết sức đau lòng. Chỉ vì bực tức sau một vụ va chạm giao thông ở phường Đống Đa, 2 tên côn đồ trong cơn say đã truy sát một thanh niên vô tội không liên quan. Sau cái chết oan uổng của người thanh niên là những tháng ngày tù tội kéo dài của 2 kẻ trẻ tuổi ngông cuồng.
Nâng cao ý thức văn hóa giao thông
Có thể thấy, việc sử dụng vũ lực khi xảy ra va chạm giao thông thời gian gần đây xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, quan trọng nhất là nhận thức về pháp luật, ý thức trách nhiệm công dân của một số người còn thấp. Đồng thời, khi xảy ra va chạm giao thông, nhiều người bảo thủ, luôn cho rằng mình đúng, nên từ va chạm nhỏ dễ dẫn đến những ẩu đả không đáng có. Cùng với đó là bị kích động bởi tâm lý đám đông, thích thể hiện cá nhân, ra oai với mọi người xung quanh.
Anh N.V.A - giáo viên một trường THPT ở TX Hoài Nhơn là người từng chứng kiến thói côn đồ của người khác sau va chạm giao thông. Cách đây chưa lâu, sau một vụ va chạm giữa 2 xe máy, 1 người bị thương nằm tại chỗ, 1 người phóng xe chạy mất. Anh đưa người bị nạn vào bệnh viện, lại bị người nhà hiểu nhầm là thủ phạm gây tai nạn, nhào vào chửi bới, đánh tới tấp. “Làm người tốt kể cũng khó, chưa nhận được lời cảm ơn đã bị vạ lây. Xét ra, cũng do con người mất tỉnh táo, không kiềm chế được cảm xúc, dẫn đến mất kiểm soát hành vi”, anh A. nhìn nhận.
Rõ ràng, để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc, mỗi người phải biết kiềm chế cảm xúc, không nên chỉ vì nóng giận tức thời mà dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn.
Bên cạnh đó, theo trung tá Tô Hồng Phúc - Phó Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông (Phòng CSGT CA tỉnh) - trước tình trạng cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp sự phát triển của phương tiện, người tham gia giao thông gặp nhiều nguy cơ va chạm, tai nạn hơn. Nhiều vụ va chạm có nguyên nhân khách quan, vì vậy mỗi người tham gia giao thông phải có trách nhiệm với bản thân, bình tĩnh để giải quyết vấn đề một cách văn minh, lịch sự và đúng pháp luật.
“Việc tuyên truyền nâng cao ý thức văn hóa khi tham gia giao thông cũng rất quan trọng. Ngoài ra, các hành vi vi phạm liên quan như xâm hại thân thể người khác, gây rối trật tự công cộng... cần được xử lý nghiêm để răn đe, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật”, trung tá Phúc nói.
Bài, ảnh: MAI LÂM