Cộng đồng trách nhiệm trong bảo vệ di tích
Một số hành vi xâm phạm di tích phổ biến lâu nay như chăn thả gia súc vào ăn trong khuôn viên di tích và khu vực thuộc khoanh vùng bảo vệ; tình trạng đổ, xả rác bừa bãi, viết vẽ bậy; lấn chiếm, tụ tập buôn bán… gây mất mỹ quan, phản cảm cho du khách; nghiêm trọng hơn là sản xuất nông nghiệp, khai thác khoáng sản, xây dựng khu vực ảnh hưởng di tích, có nguy cơ khiến di tích thêm xuống cấp, thay đổi hiện trạng gốc. Nguyên nhân xâm hại đến di tích từ sự thiếu hiểu biết hay ý thức kém của người dân và sự thờ ơ, đứng ngoài cuộc của chính quyền địa phương.
Án ngữ ngay sau bia Di tích lịch sử chiến thắng Đệ Đức (phường Hoài Tân, TX Hoài Nhơn) là đống cát cao, dài, gây phản cảm. Ảnh minh họa
Tổ chức UNESCO khẳng định: “Theo nghĩa rộng nhất, di sản thiên nhiên và văn hóa thuộc về mọi người, bổn phận của toàn thể cộng đồng là phải tham gia vào việc bảo vệ”. Ở nước ta, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định rõ quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức đối với di sản văn hóa (DSVH). Trong đó bao gồm quyền được tham quan, nghiên cứu DSVH; có quyền và nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ, phát huy giá trị DSVH; có quyền và nghĩa vụ ngăn chặn hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi phá hoại DSVH.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 133 di tích. Trong nhiều năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, nhất là hoạt động trùng tu tôn tạo di tích cho thấy vai trò, trách nhiệm của Nhà nước và cộng đồng. Cùng với ngân sách của Nhà nước là nguồn xã hội hóa được huy động từ nhân dân, đã giúp tăng cường nguồn lực, nhờ đó di tích được bảo vệ, phát huy tốt hơn. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế trong việc gìn giữ, phát huy di tích. Do vậy, công tác đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cho cộng đồng dân cư sống gần di tích và người dân địa phương là cần thiết, để mọi người nhận thức đầy đủ về quyền, nghĩa vụ, cùng tham gia bảo vệ. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng cần chủ động phối hợp cùng các ngành chức năng trong công tác quản lý di tích.
Có thể nói DSVH được bảo vệ bằng tình yêu, lòng tự hào, trách nhiệm không chỉ của ngành, đơn vị chức năng, chính quyền địa phương và mà còn của cả cộng đồng thì mới vững.
SAO LY