KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN BẦU QUỐC HỘI VIỆT NAM (6.1.1946 - 6.1.2021)
Dấu mốc lịch sử trong tiến trình xây dựng thể chế dân chủ
75 năm trước, Quốc hội Việt Nam khóa I đã được bầu từ những “lá phiếu niềm tin” của nhân dân một nước độc lập, tự do. Ðó cũng là một dấu mốc quan trọng của dân chủ, hòa hợp dân tộc giữa hoàn cảnh đất nước vẫn bị chia cắt bởi chiến tranh.
“Ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam”
Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Ngay ngày hôm sau, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống...”. Ngày 8.9.1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ban hành Sắc lệnh số 14/SL quy định mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội (QH).
Các thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia một kỳ họp của QH khóa IX. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Công tác chuẩn bị cho Tổng tuyển cử diễn ra rất khẩn trương trong điều kiện thù trong, giặc ngoài; trong bối cảnh nền KT-XH hết sức khó khăn. Cuộc Tổng tuyển cử lúc đầu được dự kiến tổ chức ngày 23.12.1945; nhưng để thực hiện chủ trương thống nhất và hòa giải, có thêm thời gian cho công tác chuẩn bị và các ứng cử viên có điều kiện nộp đơn, đi vận động tranh cử, ngày 18.12.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến Chủ nhật, ngày 6.1.1946.
Ngày 5.1.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn: “Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”.
Ngày 6.1.1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu QH đầu tiên đã diễn ra trên cả nước, kể cả các vùng đang có chiến sự ở Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Ở Hà Nội đã có 91,95% cử tri của 74 khu nội thành và 118 làng ngoại thành đi bỏ phiếu trong không khí tràn đầy phấn khởi của ngày hội dân chủ. Trên phạm vi cả nước, tổng số cử tri đi bỏ phiếu đạt tỷ lệ 89%, trừ một số nơi phải bầu bổ sung còn tuyệt đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần. Cuộc Tổng tuyển cử đã bầu được 333 ĐBQH.
Bình Định: Sắp đặt xong, bầu cử sớm
Tại Bình Định, theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định (1945 -1954), thực hiện Sắc lệnh số 14/SL ngày 8.9.1945, cuối tháng 11.1945, tỉnh tiến hành các công tác chuẩn bị Tổng tuyển cử. Mặt trận Việt Minh cùng chính quyền cách mạng các cấp tổ chức các đội công tác về tận thôn, xóm, cả vùng biển, đồng bằng, miền núi để tuyên truyền phổ biến mục đích, ý nghĩa cuộc Tổng tuyển cử, nghĩa vụ và quyền lợi của công dân. Đồng thời, lập danh sách ứng cử viên và cử tri công bố rộng rãi trong nhân dân, vận động nhân dân lựa chọn những đại biểu xứng đáng vào QH đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Dù có Sắc lệnh hoãn cuộc bầu cử QH khóa I đến ngày 6.1.1946, nhưng do Bình Định đã sắp đặt xong nên vẫn tiến hành tổ chức Tổng tuyển cử vào ngày 23.12.1945. Số ứng cử trên 50 người, bầu ra 12 ĐBQH. Tiếp theo, thi hành Sắc lệnh số 63/SL ngày 22.11.1945, tỉnh tổ chức các cuộc bầu cử HĐND tỉnh và xã, bầu ủy ban hành chính các cấp thay cho UBND cách mạng lâm thời trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Lần đầu tiên, mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh không phân biệt chính kiến, chính cư hay ngụ cư, nam - nữ, già - trẻ, lương - giáo, dân tộc, giàu, nghèo... đều được cầm lá phiếu trực tiếp bầu những người đại diện cho mình vào các cơ quan quyền lực Nhà nước từ cơ sở đến Trung ương. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu khá cao, nhiều xã đạt trên 90%, có xã đạt 100%. Danh sách ứng cử viên do Mặt trận Việt Minh giới thiệu đều trúng cử với số phiếu cao.
Mốc son về xây dựng thể chế dân chủ
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam năm 1946 được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín đã hoàn toàn thắng lợi. QH đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Thắng lợi đó là một mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử cũng đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới: Đất nước có một QH, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Cuộc bầu cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ - nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến, kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh cách mạng Việt Nam có nhiều khó khăn chồng chất, nhân dân ta vừa thoát khỏi ách nô lệ nhưng Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết định tổ chức Tổng tuyển cử và cuộc Tổng tuyển cử thành công là một quyết định sáng suốt, kịp thời, nhạy bén chính trị và khoa học, thực tiễn sâu sắc. Thắng lợi đó đã khẳng định đường lối, chủ trương của Đảng ta đúng đắn, sáng tạo, thể hiện khát vọng được độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam.
Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XIV tổ chức góp ý dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Ảnh: N.V.T
Bên cạnh đó, kết quả bầu cử cũng thể hiện rõ rệt chủ trương hòa hợp dân tộc giữa thời điểm đất nước đang bị chia cắt. Trong tổng số 333 đại biểu được bầu, có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau, 43% không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; có 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số. Trong thành phần của QH có đại biểu đại diện cho cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, các giới từ những nhà cách mạng lão thành, thương gia, nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động văn hóa, đến đại biểu các thành phần tôn giáo, những người không đảng phái và các đảng phái chính trị.
Ở phạm vi hẹp hơn, trong 12 ĐBQH khóa I của tỉnh Bình Định, thành phần gồm: 6 cựu “chính trị phạm”, 5 Việt Minh bí mật, 1 linh mục, 1 dân tộc thiểu số, 1 bác sĩ. Trong 30 đại biểu HĐND tỉnh khóa I, ngoài cán bộ Việt Minh còn có một số viên chức yêu nước và thân sĩ, đặc biệt có 1 linh mục, 1 cựu tổng đốc.
Theo lời kể lúc còn sống của cụ Trần Tín (ĐBQH khóa I, II, III), khi Đoàn ĐBQH khóa I của tỉnh Bình Định ra Hà Nội dự kỳ họp đầu tiên, Bác Hồ đã vui vẻ đón tiếp cả đoàn. Đặc biệt, Bác Hồ “cầm tay linh mục Nguyễn Đức Tín, kéo đến ngồi bên mình”. Đó là tình cảm chân thành của người lãnh tụ đối với những đại biểu của dân, không phân biệt tôn giáo, đảng phái.
Mỗi đại biểu là cầu nối cử tri với Quốc hội
“Khi được cử tri tin tưởng bầu vào QH, tôi và các vị đại biểu đều cố gắng hết sức để đóng góp tâm trí vào hoạt động chung của QH. Theo thời gian, yêu cầu đặt ra cho ÐBQH ngày càng cao hơn. Từng đại biểu phải gần dân, chịu khó nghe dân, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Nếu có điều kiện thì năng đi về nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng thường xuyên gặp thiên tai để xem cuộc sống hiện tại gặp khó chỗ nào, đề xuất giải pháp giúp dân”.
Ông TRẦN VĂN NHẪN - nguyên Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh khóa VIII, IX
“Tại các kỳ họp, các cuộc giám sát..., các thành viên của Ðoàn ÐBQH tỉnh đều phát biểu thẳng thắn, thuyết phục, được đánh giá cao, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan soạn thảo dự án luật tiếp thu. Các ÐBQH phát huy tinh thần trách nhiệm, nâng cao năng lực chuyên môn; giữ được mối quan hệ với cử tri, thật sự là cầu nối giữa cử tri với QH, tạo sự đồng thuận, phát huy dân chủ, huy động cao nhất sức dân tham gia thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ mới”.
Bà NGUYỄN THANH THỤY - nguyên Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XII, XIII
NGUYỄN VĂN TRANG