Ðảm bảo quyền lợi người có công
Sở LÐ-TB&XH vừa tổng kết 8 năm thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, giai đoạn 2013 - 2020. Dịp này, ông Phan Ðình Hòa, Phó Giám đốc Sở LÐ-TB&XH khẳng định, việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công ngày càng đi vào chiều sâu, giải quyết được nhiều vướng mắc, qua đó đảm bảo quyền lợi cho người có công và thân nhân của họ.
Gặp mặt, tôn vinh các Mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu trong tỉnh nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7. Ảnh: NGỌC TÚ
● Ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện chính sách ưu đãi người có công 8 năm qua?
- Về cơ bản, kết quả đạt được đã đáp ứng được kỳ vọng của ngành và xã hội về mục tiêu “không để người thực sự có công mà không được xem xét công nhận và thụ hưởng chính sách”. Đạt được điều này, nhờ có sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nỗ lực của ngành LĐ-TB&XH cùng sự phối hợp với các sở, ngành và các hội, đoàn thể liên quan trong việc triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân luôn được chú trọng, đẩy mạnh. Theo đó, đối tượng người có công (NCC) và thân nhân NCC tiếp cận được chính sách, phối hợp với địa phương xác lập thủ tục hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ.
Để công tác thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi NCC với cách mạng kịp thời, hiệu quả hơn, các địa phương, cơ sở cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tích cực triển khai thực hiện.
Trong giai đoạn đầu thực hiện Pháp lệnh, Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH ban hành nhiều chính sách mới liên quan đến NCC như chính sách thờ cúng liệt sĩ, công nhận Mẹ Việt Nam anh hùng… Chính vì vậy, trong cùng một lúc đã có rất nhiều hồ sơ phải giải quyết. Dù vậy, toàn ngành đã tập trung triển khai giải quyết kịp thời chế độ trợ cấp cho đối tượng NCC và thân nhân. Giai đoạn 2013 - 2020, tỉnh đã thẩm định, xét duyệt giải quyết các chế độ, chính sách cho hơn 15.000 đối tượng NCC và thân nhân của họ. Đặc biệt, theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, Bình Định là một trong những tỉnh đã triển khai hiệu quả, giải quyết kịp thời việc công nhận danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Theo đó, đã có 3.343 mẹ được Chủ tịch nước phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Hiện tại, 247 mẹ còn sống đang được các cơ quan, tổ chức, DN nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.
● Được biết, quá trình thực hiện việc công nhận NCC với cách mạng thời gian qua đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc. Sở đã có giải pháp nào để khắc phục?
- Khó khăn lớn nhất là đội ngũ làm công tác chính sách ở cơ sở thường thay đổi. Số người Sở LĐ-TB&XH hợp đồng để thực hiện công tác hướng dẫn thủ tục, hồ sơ cho NCC đã thay đổi vị trí công việc trong khi công việc đòi hỏi phải có hiểu biết, nắm rõ chính sách mới làm tốt được. Trước thực tế này, Sở đã phối hợp với địa phương tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác chính sách NCC theo từng huyện (trước đây tập huấn theo cụm), trong đó dành nhiều thời gian cho việc trao đổi, thảo luận giải đáp các vướng mắc và đưa ra giải pháp để thực hiện tốt hơn trong thời gian đến.
Bên cạnh đó, Sở tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương quán triệt tinh thần khẩn trương triển khai thực hiện chính sách công nhận NCC và một số chính sách ưu đãi khác như đền ơn đáp nghĩa, chăm lo nhà ở cho NCC, các công trình ghi công liệt sĩ…
Với quyết tâm “không để hồ sơ NCC và thân nhân NCC nào còn tồn đọng”, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch chỉ đạo các địa phương tập trung giải quyết rốt ráo. Sở cũng đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, hướng dẫn các địa phương. Kết quả kiểm tra cho thấy, lý do hồ sơ tồn đọng nhiều là do một vài địa phương hiểu chưa tận tường quy định, đưa cả số hồ sơ có đủ điều kiện giải quyết vào số tồn đọng. Sau khi Đoàn công tác giải thích, hướng dẫn rõ ràng, mọi việc đã được khơi thông. Đến nay, các địa phương đã hoàn chỉnh hồ sơ đủ điều kiện gởi lên Sở. Sở đang tập trung thẩm định để báo cáo Ban chỉ đạo xác nhận NCC của tỉnh để họp xét trong thời gian tới. Riêng số hồ sơ tồn đọng không đủ điều kiện thì có văn bản để trả lại và giải thích lý do để đối tượng hiểu.
● Chủ tịch nước đã ban hành Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2021. Pháp lệnh mới này có ý nghĩa như thế nào, và tỉnh ta sẽ triển khai thực hiện ra sao?
- Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng mới sẽ kế thừa cái cũ và có những thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế. Trên tinh thần đó, Pháp lệnh mới bổ sung 3 chương, bỏ 1 chương và 3 điều, bổ sung 13 điều; có 36 điểm mới thuộc 8 nhóm nội dung lớn. Thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định, UBND tỉnh sẽ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện.
Để công tác thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi NCC với cách mạng kịp thời, hiệu quả hơn, các địa phương, cơ sở cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tích cực triển khai thực hiện. Đặc biệt, thực hiện tốt việc công khai thông tin ở địa phương theo quy định và ghi nhận mọi ý kiến, phản ánh của người dân tại địa phương để việc xét duyệt chính xác, tránh sai sót, gây bức xúc trong dư luận. Các địa phương tiếp tục chăm lo, đảm bảo đối tượng NCC, thân nhân NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống chung ở khu dân cư. Ngoài ra, còn phải làm tốt công tác tư vấn chăm sóc sức khỏe, thăm hỏi động viên dịp lễ, Tết để tri ân đối tượng NCC…
● Xin cảm ơn ông!
NGỌC TÚ (Thực hiện)