Cảnh báo lũ lụt sớm giúp giảm nhẹ thiên tai
Không chỉ giám sát và cảnh báo sớm lũ lụt, “Hệ thống giám sát, cảnh báo lũ lụt thời gian thực ứng dụng công nghệ LoRa” còn giúp người dân theo dõi các thông số môi trường để điều tiết nước và chủ động hơn trong sinh hoạt, sản xuất. Đó là kết quả nghiên cứu của Trần Văn Trung, sinh viên khoa Kỹ thuật và Công nghệ (Trường ĐH Quy Nhơn).
Trần Văn Trung tham gia cuộc thi Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka 2020. Ảnh: NVCC
“Với nghiên cứu này, tôi muốn đem những kiến thức đã học để áp dụng làm một việc có ích, giúp người dân chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại”, Trung chia sẻ.
Nghiên cứu “Hệ thống giám sát, cảnh báo lũ lụt thời gian thực ứng dụng công nghệ LoRa” mang lại cho Trần Văn Trung giải ba Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học, Bộ GD&ÐT tổ chức; giải khuyến khích Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka, Thành đoàn TP Hồ Chí Minh tổ chức; giải đặc biệt Cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Bình Ðịnh năm 2020.
Hệ thống giám sát, cảnh báo được thiết kế ứng dụng công nghệ truyền thông không dây LoRa - công nghệ hiện đại và còn khá mới ở Việt Nam. Với ứng dụng công nghệ LoRa kết hợp nền tảng mã nguồn mở Thingsboard, Trung đã tạo ra một hệ thống gồm các cảm biến siêu âm để đo mực nước, lượng mưa, lưu lượng dòng chảy, nhiệt độ, độ ẩm... Khi mực nước dâng ở ngưỡng cảnh báo, các cảm biến phát tín hiệu. Dữ liệu từ các cảm biến được truyền về máy tính xử lý. Dữ liệu được cập nhật theo thời gian thực nên rất nhanh, liên tục và chính xác, đồng thời có thể truyền dẫn với khoảng cách 20 km hỗ trợ tốt công tác giám sát, phân tích và cảnh báo.
Ưu điểm của hệ thống là cho phép thu thập số liệu tại nhiều khu vực khác nhau; chi phí lắp đặt thấp và đơn giản, có thể triển khai trên diện rộng. Nhờ sử dụng nền tảng mã nguồn mở cho phép mọi người có thể truy cập, giám sát thông tin bão lũ một cách trực quan và sớm nhất.
Trung cho biết: “Thời gian tới, tôi tiếp tục nâng cao tính chính xác trong dự báo và cảnh báo của hệ thống. Vận dụng trí tuệ nhân tạo vào nền tảng dữ liệu có sẵn để phân tích; tích hợp thêm các mạch hấp thụ năng lượng từ năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng tín hiệu vô tuyến... cho phép hệ thống duy trì hoạt động thời gian dài hay hoạt động dựa vào các nguồn năng lượng tái tạo mà không cần dùng pin. Đây là mục tiêu mà tôi hướng tới vì một môi trường xanh và bền vững”.
Đánh giá kết quả về nghiên cứu này, ông Huỳnh Xuân Trường, Trưởng phòng Quản lý Công nghệ và Sở hữu trí tuệ (Sở KH&CN), cho hay: Hệ thống rất hữu ích, giúp các đơn vị chức năng và người dân có thể làm chủ công nghệ, giảm phụ thuộc vào các nguồn tài trợ từ nước ngoài.
Bài, ảnh: KHÁNH LINH