Ðể KH&CN là động lực thúc đẩy phát triển KT-XH
Ông NGUYỄN HỮU HÀ
Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động 07- CTr/TU của Tỉnh ủy về phát triển KH&CN giai đoạn 2016 - 2020, Phó Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Hữu Hà khẳng định, KH&CN của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực với nhiều thành tựu trong nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào sản xuất, đời sống, động lực thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.
● Cụ thể những dấu ấn KH&CN trong phát triển KT-XH của tỉnh trong 5 năm qua là gì, thưa ông?
- 5 năm thực hiện Chương trình hành động 07- CTr/TU của Tỉnh ủy về phát triển KH&CN giai đoạn 2016 - 2020, chúng ta đã hoàn thành và vượt nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, như: Tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp đạt 35,82%; tốc độ đổi mới công nghệ của DN đạt 13,15%/năm; DN KH&CN tăng lên 10 đơn vị; 12 DN được hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng KH&CN, trong đó 2 DN hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao.
Các lĩnh vực kinh tế có sự chuyển biến rõ rệt. Tỉnh đã xây dựng hạ tầng và quy hoạch vùng nuôi tôm thương phẩm ứng dụng công nghệ cao tại Cát Thành, xã Cát Hải (huyện Phù Cát) và phát triển khu chăn nuôi tập trung tại Nhơn Tân (TX An Nhơn). Nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp đã tuyển chọn một số giống lúa, bắp, mì có triển vọng bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh; ứng dụng công nghệ sinh học rộng rãi vào sản xuất nông nghiệp; triển khai xây dựng các chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm...
Trên lĩnh vực khoa học y dược, Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (BIDIPHAR) nghiên cứu, sản xuất nhiều dòng thuốc mới theo tiêu chuẩn quốc tế, nhất là thuốc điều trị ung thư... Công tác khám chữa bệnh chuyên sâu tiếp tục đẩy mạnh, đặc biệt BVĐK tỉnh tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm điều trị hiếm muộn từ Bệnh viện Từ Dũ TP Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, tỉnh cũng hoàn thiện và trình Ban Bí thư Trung ương Đảng Đề án phát triển “Khu đô thị khoa học Quy Hòa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”.
Khu đô thị khoa học Quy Hòa với hoạt động của Trung tâm ICISE là một trong những điểm sáng phát triển KH&CN của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Ảnh: HỒNG HÀ
● Dù vậy, chúng ta vẫn là chưa thể tạo lập phát triển được thị trường KH&CN - một trong những mục tiêu quan trọng của chương trình?
- Thuận lợi lớn nhất thời gian qua để phát triển KH&CN là sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ thông qua việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách phù hợp để thúc đẩy, tạo điều kiện cho hoạt động KH&CN. Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng quan tâm từ việc thành lập Ban chỉ đạo cho đến việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Ngoài ra, cũng phải kể đến sự vào cuộc tích cực của các DN trong ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất. Cấp ủy, chính quyền địa phương từng bước nâng cao nhận thức và quan tâm hơn đến hoạt động phát triển KH&CN, trong đó chú ý việc tăng cường bảo hộ các sản phẩm địa phương.
Tuy nhiên, sự thay đổi và thiếu hướng dẫn cụ thể các chính sách quản lý về KH&CN phần nào gây khó khăn cho quá trình thực hiện chương trình. Chính phủ vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về chính sách miễn thuế nhằm giúp thu hút các tổ chức KH&CN, điều đó khiến việc miễn thuế đất cho Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) đến nay vẫn chưa thực hiện được. Ngoài ra, tại một số địa phương, các cấp ủy chưa quan tâm đến việc triển khai thực hiện Chương trình hành động 07- CTr/TU
Điểm nghẽn rất lớn của Chương trình là vẫn chưa phát triển được thị trường KH&CN. Nguyên nhân là do chúng ta vẫn chưa hình thành được các tổ chức trung gian để tạo kết nối, liên kết giữa các viện, trường, nhà khoa học, viện nghiên cứu, nhà quản lý... để tạo ra thị trường. Chưa kể, vấn đề quan trọng nữa là thương mại hóa sản phẩm KH&CN cũng còn hạn chế.
● Vậy trong thời gian tới, tỉnh cần tập trung những giải pháp gì tháo gỡ các nút thắt để KH&CN thực sự là động lực thúc đẩy phát triển KT-XH?
- Để tháo gỡ khó khăn, tạo cú hích cho thị trường KH&CN, cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về chính sách phát triển KH&CN, quản lý chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm... Hỗ trợ DN thông tin về thị trường công nghệ, kết nối các đầu mối công nghệ. Xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về thị trường công nghệ và các công nghệ có thể chuyển giao. Hình thành các tổ chức trung gian để kết nối liên kết các nguồn lực: Viện, trường, nhà khoa học, nhà quản lý, đặc biệt các DN vào chuỗi liên kết này. Hỗ trợ kết nối các nguồn nhân lực sẵn có, hỗ trợ các cá nhân tham gia vào chương trình thúc đẩy thị trường KH&CN.
● Xin cảm ơn ông!
HỒNG HÀ (Thực hiện)