Bình Ðịnh thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam: Nhiều tín hiệu vui
Có thể nói việc triển khai có hiệu quả các nội dung về công tác gia đình của tỉnh đã đi vào chiều sâu và đạt được những kết quả khả quan.
Thực hiện Chiến lược của Chính phủ về phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; UBND tỉnh chỉ đạo ban chỉ đạo công tác gia đình các cấp phối hợp triển khai thực hiện 3 mục tiêu, 12 chỉ tiêu. Đó là: Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình. Kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển; thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, đặc biệt đối với trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ. Nâng cao năng lực của gia đình trong phát triển kinh tế, ứng phó với thiên tai và khủng hoảng kinh tế; tạo việc làm, tăng thu nhập và phúc lợi, đặc biệt đối với các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo theo quy định.
Sự chuyển biến về nhận thức, hành động của nam giới đã góp phần thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trên địa bàn tỉnh. Ảnh: NGUYỄN MUỘI
Từ mục tiêu chung, năm 2020 toàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ như: 95% hộ được tuyên truyền phổ biến, tuyên truyền và cam kết thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình. 95% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức cơ bản về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; 95% hộ gia đình thực hiện chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo ông, bà, chăm sóc cha, mẹ, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ... Bên cạnh đó là tỷ lệ các hộ gia đình có bạo lực gia đình giảm 10 - 15%, tỷ lệ hộ gia đình có người mắc tệ nạn xã hội giảm 10 - 15%, tỷ lệ hộ gia đình có người kết hôn dưới tuổi pháp luật quy định giảm 15%.
Cuối năm 2020, toàn tỉnh có 122 xã, phường, thị trấn có mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; trên 371 nghìn hộ được công nhận gia đình văn hóa; 415 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, thực hiện tư vấn, giải quyết mâu thuẫn, bạo lực gia đình; 169 CLB “Gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững” với hơn 1.800 thành viên tham gia sinh hoạt…
Tuy vậy, công tác gia đình trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn như: Cán bộ làm công tác gia đình ở cơ sở chưa đúng chuyên môn, chủ yếu là kiêm nhiệm. Ở cấp xã chưa có nguồn kinh phí phân bổ để thực hiện công tác gia đình. Các tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè... vẫn còn diễn biến phức tạp, mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều hoạt động can thiệp.
Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH&TT, cho biết: Ban chỉ đạo công tác gia đình tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách, pháp luật liên quan đến gia đình và trẻ em bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm vùng miền; tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục trẻ em, phòng, chống bạo lực trong học đường, tai nạn thương tích trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em trong nội dung công tác gia đình giai đoạn 2020 - 2030. Thường xuyên tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về tầm quan trọng của gia đình; tổ chức các hoạt động nhân ngày Gia đình Việt Nam (28.6) như hội thi tìm hiểu Luật phòng, chống bạo lực gia đình, hội thảo về hôn nhân và gia đình. Chú trọng tuyên truyền trong Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới hằng năm. Sẽ đề xuất để UBND tỉnh kiến nghị Bộ VH-TT&DL mở các lớp tập huấn để đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp nâng cao năng lực chuyên môn; phối hợp với Bộ Tài chính quy định mức kinh phí chi cho sự nghiệp gia đình để các địa phương có cơ sở thực hiện.
TRỌNG LỢI