Chiếc mõ tre kỷ vật
Trong kho tàng trưng bày hiện vật về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của Bảo tàng tỉnh Bình Định có chiếc mõ tre là kỷ vật của đồng chí Nguyễn Văn Minh, một chiến sĩ cách mạng của xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ (ảnh).
Năm 1960 - 1963 là giai đoạn mà địch ráo riết vây núi, rào làng, thiết lập ấp chiến lược ở xã Mỹ Thọ, nhằm ngăn chặn lực lượng cách mạng bí mật ở trên núi liên lạc với quần chúng nhân dân trong xã và cô lập những cán bộ cách mạng “nhảy núi”. Kẻ địch bắt người dân ở đây phải báo hiệu cho chúng bằng mõ tre khi lực lượng cách mạng xâm nhập làng xã. Vì vậy gia đình nào cũng phải có một chiếc mõ tre để sẵn trong nhà, cần là dùng được ngay.
Một trong những sáng tạo của các cơ sở cách mạng ở xã Mỹ Thọ thời kỳ ấy để khắc chế các biện pháp của kẻ thù là biến chủ trương báo hiệu của địch thành ám hiệu cho lực lượng cách mạng của ta.
Thời ấy, nhờ công tác dân vận tốt nên có khá nhiều thanh thiếu niên trong xã giác ngộ và muốn thoát ly, nhảy núi hoạt động cách mạng, nhưng địch kiểm soát rất gắt gao. Nếu gia đình nào có người vắng mặt tại địa phương không có lý do, sẽ bị khép vào tội thoát ly theo cách mạng, và chúng trấn áp, bắt bớ những người còn lại trong gia đình. Việc tiếp nhận số thanh thiếu niên thoát ly theo cách mạng là rất cần thiết, nên để đánh lạc hướng địch, các cơ sở cách mạng nghĩ ra cách, sau khi các thanh thiếu niên lên núi an toàn trong đêm, họ mới đánh mõ báo động giả là lực lượng cách mạng vừa xuống núi, vào làng bắt người, như vậy địch không có cớ để trấn áp.
Mõ tre còn được sử dụng để báo động giả trong một số trường hợp khác như khi lực lượng bí mật của ta dán áp phích, rải truyền đơn cổ động, dán bảng tố cáo tội ác của địch đối với các vụ thảm sát, đầu độc người dân vô tội; khi quân ta hoàn thành nhiệm vụ, rút lui an toàn, các cơ sở cách mạng mới đánh mõ báo động.
Những kế sách ấy tuy đơn giản nhưng rất sáng tạo và hữu dụng, góp phần làm thất bại chiến lược vây núi, rào làng, thiết lập ấp chiến lược của kẻ thù.
NGUYỄN VIẾT TUẤN