740 tỷ đồng xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia tại Hòa Lạc
Tổng vốn đầu tư Trung tâm này là 740 tỷ đồng với hai tòa nhà trung tâm, vốn huy động ngoài ngân sách, do các doanh nghiệp đóng góp xây dựng, bước đầu từ một số nhà tài trợ.
Phối cảnh Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, cơ sở Hòa Lạc. (Nguồn: Báo đầu tư)
Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) sẽ được khởi công xây dựng tại khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội vào sáng 9.1.
Tổng vốn đầu tư Trung tâm này là 740 tỷ đồng với hai tòa nhà trung tâm, vốn huy động ngoài ngân sách, do các doanh nghiệp đóng góp xây dựng, bước đầu từ một số nhà tài trợ; trong đó, có nhà tài trợ từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, thời gian đầu chắc chắn sẽ gặp khó khăn, cần sự hỗ trợ từ Nhà nước về một số mặt.
Theo Quyết định 1269/QĐ-TTg 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Trung tâm sẽ hoạt động theo cơ chế tự chủ.
Về lâu dài, Trung tâm sẽ triển khai các chương trình, kế hoạch, dựa vào cung cấp dịch vụ, giải pháp tư vấn để tạo nguồn thu, cân đối nguồn lực.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết việc khởi công dự án xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc đánh dấu nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc hoàn thiện các thủ tục liên quan để tạo dựng cơ sở vật chất và chuẩn bị các điều kiện để thúc đẩy hoạt động kết nối giữa các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, là dấu mốc quan trọng trong việc hình thành, phát triển của NIC.
Trung tâm sẽ là nơi hội tụ của các tổ chức, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế, các cơ sở nghiên cứu, phòng thì nghiệm, nơi đặt văn phòng của các tập đoàn lớn trong nước và thế giới, nơi làm việc của các chuyên gia, nhà khoa học xuất sắc.
Để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của NIC, ngày 21.8.2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2020/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia.
Nghị định đã quy định cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất về thủ tục hành chính, tài chính, đất đai, tín dụng, mặt bằng, hạ tầng cho Trung tâm và cho các tổ chức, cá nhân làm việc tại Trung tâm.
Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng, sang năm 2021, với sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống, nền kinh tế sẽ từng bước vượt qua những thách thức, tạo ra những “doanh nghiệp kỳ lân” đổi mới sáng tạo.
NIC hiện mới vận hành khoảng 1 năm, hiện mới có 20 người, bao gồm những cán bộ có kinh nghiệm thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và cả những cán bộ trẻ được đào tạo bài bản ở trong và ngoài nước.
Với hành lang pháp lý và cơ sở vật chất đồng bộ, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia là nơi hội tụ, kết nối các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Cùng với việc khởi công xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, ngày 9-10.1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tổ chức triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam để giới thiệu, trưng bày, trình diễn các giải pháp, ý tưởng, sản phẩm công nghệ đổi mới sáng tạo đến từ các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Triển lãm có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn như: VinGroup, Viettel, MoMo, CMC, Sunshine, Hanaka, VNPT; các doanh nghiệp nước ngoài lớn là Samsung, Intel, Dell, Hitachi, Siemens, Hyosung và cộng đồng startup cùng các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các trường đại học, viện nghiên cứu.
Các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học lớn như Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học-Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Huế, Đại học Cần Thơ... cũng sẽ có các gian hàng giới thiệu tại Triển lãm.
Triển lãm sẽ tổ chức các hoạt động kết nối các startup, doanh nghiệp nhỏ và vừa với các quỹ đầu tư và các doanh nghiệp lớn, kết nối doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam.
Nhiều giải pháp, sản phẩm công nghệ ấn tượng sẽ được giới thiệu tại Triển lãm như Nhà máy thông minh, robot vận chuyển hàng trong xưởng, đô thị thông minh, máy bay không người lái hỗ trợ tìm kiếm cứu trợ cứu nạn, robot phòng chống Covid-19...
Theo Thúy Hiền (TTXVN/Vietnam+)