Không để kết án oan, bỏ lọt tội phạm
Số vụ án thụ lý liên tục tăng và tính chất ngày càng phức tạp đòi hỏi ngành tòa án phải không ngừng nghiên cứu, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xét xử, góp phần tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Quang cảnh một phiên tòa có đầy đủ các bên tham gia tố tụng.
Nâng cao chất lượng xét xử là nhiệm vụ trọng tâm
Năm 2020, TAND 2 cấp tiếp tục triển khai các nhiệm vụ công tác trọng tâm với chủ đề hành động “Trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý” và 14 giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, giải quyết các loại án theo tinh thần cải cách tư pháp. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của ngành, TAND 2 cấp chú trọng và đề cao việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong quá trình xét xử.
Dù tình hình tội phạm vẫn phức tạp, các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tiếp tục gia tăng về số lượng và tính chất ngày càng gay gắt, song TAND 2 cấp đã xác định việc nâng cao chất lượng công tác xét xử là trọng tâm, then chốt. Năm 2020, TAND 2 cấp đã thụ lý 7.425 vụ việc và giải quyết, xét xử được 6.402 vụ việc; đáng chú ý các bản án, quyết định bị hủy, sửa chỉ chiếm 0,4%.
Việc tranh tụng tại tòa được chú trọng và đảm bảo các bên tham gia tố tụng đưa ra chứng cứ và trình bày ý kiến của mình. Trong quá trình giải quyết án, ngành chủ động phối hợp với các cơ quan tố tụng để cùng thảo luận, xem xét, đặc biệt đối với các vụ án lớn, nhằm bảo đảm giải quyết tốt vụ án, tránh tình trạng trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhiều lần, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Chánh án TAND tỉnh Lê Văn Thường cho biết: “Chúng tôi đặt ra yêu cầu xét xử nhanh nhưng không để thiếu sót. Vì vậy, ngoài chú trọng nâng cao chất lượng tranh tụng tại tòa, TAND 2 cấp đã chủ động tăng cường phối hợp với lực lượng CA, kiểm sát cùng cấp kịp thời trao đổi, thảo luận cũng như đưa ra xét xử các vụ án trọng điểm, kiên quyết xử phạt nghiêm các loại tội phạm về tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, ngành cũng chú trọng vào công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, công chức của ngành phải hành động trách nhiệm, kỷ cương, tận tụy và chuyên nghiệp”.
Khắc phục khó khăn, phát huy thế mạnh
Mặc dù đạt được nhiều kết quả trong công tác xét xử án, song nguồn nhân sự của ngành vẫn chưa được bổ sung, đáp ứng yêu cầu. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 của TAND 2 cấp mới đây, nhiều đại biểu đã chỉ rõ những hạn chế của từng đơn vị.
Chánh án TAND TX An Nhơn Thái Văn Hà cho biết: “Hiện nay, tại đơn vị chỉ có 3 thẩm phán và 1 thư ký đã học qua lớp nghiệp vụ xét xử, trong khi lượng án hằng năm tăng từ 10 - 15%. Để khắc phục khó khăn này, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình công tác ngay từ đầu năm và giám sát chặt chẽ việc thực hiện. Ngoài ra, hằng tháng, đơn vị đối chiếu, so sánh, đánh giá tiến độ thực hiện các mặt công tác, không để bị động”.
Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Phương Thảo, Chánh án TAND huyện Tây Sơn, chia sẻ: “Chúng tôi chú trọng tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu. Mỗi tháng, đơn vị đều dành thời gian để họp thẩm phán nhằm trao đổi về những vụ án phức tạp trước khi đưa ra xét xử. Qua đó, các thẩm phán sẽ nghiên cứu, đóng góp ý kiến về việc xây dựng hồ sơ, thu thập chứng cứ, phương pháp giải quyết”.
Có thể nói, dù còn khó khăn, song TAND 2 cấp đã và đang chủ động thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của TAND cấp trên. Trong đó, chú trọng tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm và coi đây là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới. Làm tốt công tác hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự và công tác đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính. Khắc phục triệt để tình trạng để án quá hạn do nguyên nhân chủ quan của tòa. Bên cạnh đó, ngành sẽ tiếp tục bảo đảm xét xử nghiêm minh, khách quan, đúng pháp luật, không để oan sai, lọt tội, tiếp tục đổi mới thủ tục tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất, bảo đảm dân chủ, công khai, đúng quy định của pháp luật.
Chánh án TAND tỉnh Lê Văn Thường nhấn mạnh: “Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi xác định rõ trách nhiệm của cá nhân thẩm phán và hội đồng xét xử. Những thẩm phán có bản án, quyết định bị hủy hoặc sửa do lỗi chủ quan, cho bị cáo hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật, án tuyên không rõ ràng, gây khó khăn cho công tác thi hành án dân sự… sẽ bị kiểm điểm, gắn với đánh giá, phân loại cán bộ, công chức hằng năm về năng lực, trình độ và tinh thần trách nhiệm”.
Bài, ảnh: KIỀU ANH