Kể chuyện bánh mì Quy Nhơn
Trong số các loại thức ăn đường phố phổ biến ở Quy Nhơn, bánh mì không chỉ có “thâm niên” chinh phục bao thế hệ thực khách mà còn có nhiều đổi mới nhất. Một phần thay đổi trong thị hiếu ẩm thực và cả ký ức về phố biển của nhiều người Quy Nhơn cũng gắn liền với những xe, tiệm bánh mì.
Bánh mì bà Liên trên đường Nguyễn Thái Học.
Một phần ký ức ẩm thực
Không chỉ là món ăn, bánh mì và những người bán bánh mì đã trở thành một phần ký ức của rất nhiều người dân Quy Nhơn, nhất là những người đã đi xa phố biển. “Tôi hay ăn bánh mì O Vĩnh, một phần vì quen, phần vì nhớ. Khoảng vài năm trở lại đây, không thấy o Vĩnh bởi bà đã vào TP Hồ Chí Minh với con, nên thiếu hình ảnh quen thuộc gắn liền với tiệm bánh mì này. Cũng vui khi được biết bà có mở tiệm bánh mì O Vĩnh ở TP Hồ Chí Minh, người dân Quy Nhơn xa quê khi thèm, khi nhớ... có thể tìm đến thưởng thức bánh mì mang hương vị đặc trưng...”, chị Phạm Thị Diệu Hiền (ở đường Bạch Đằng), chia sẻ.
Hẻm 100 Nguyễn Thái Học có tiệm bánh mì “bà lùn” rất được lòng thực khách. Gọi là tiệm, kỳ thực chỉ là một xe bánh mì nhỏ, chỉ vừa một người đứng bán. Chủ nhân của “bánh mì hẻm” là bà Nguyễn Thị Kim Liên (67 tuổi) với thâm niên hơn 30 năm trong nghề. “Trong hẻm nhà tôi đó có một gia đình đã qua Mỹ định cư. Họ xem trên YouTube có video clip về bánh mì Quy Nhơn liền gọi điện về hỏi thăm má tôi có còn giữ nghề hay không. Họ nói đi xa nhưng vẫn nhớ bánh mì hẻm của má tôi, đã trở thành một phần ký ức của họ về Quy Nhơn”, cô con gái bà Liên vừa phụ mẹ xếp bánh, vừa bày tỏ niềm vui khi chia sẻ câu chuyện về xe bánh mì của gia đình.
Tiệm bánh mì Tân Gia Lợi trên đường Tăng Bạt Hổ.
Chủ tiệm bánh mì Tân Gia Lợi (235 Tăng Bạt Hổ) từ nhỏ đã học theo cách làm của cha mẹ, giờ theo nghề đã hơn 20 năm. Hầu hết các nguyên liệu từ thịt nguội, bơ, pa tê cho đến nước sốt, tương ớt… đều do chủ tiệm tự làm. Bà Nguyễn Thị Quế, chủ tiệm bánh mì Tân Gia Lợi, bộc bạch: “Bán lâu nên tôi có nhiều khách quen nhiều năm, những người Quy Nhơn đi xa mỗi lần trở về cũng tìm đến mua... Nghề nào cũng luôn có nhọc nhằn, vất vả, nhưng mà khách ăn ngon miệng, quay lại ủng hộ là mình vui”.
Cũng bánh mì và chừng ấy nguyên liệu, những chả, thịt, trứng, chà bông, lạp xưởng, rau dưa…, nhưng mỗi tiệm mỗi vị, ai hạp vị nào thì làm khách quen quán ấy, năm này qua tháng khác.
“Chuyển động” bánh mì
Bên cạnh những tiệm bánh mì lâu năm như O Vĩnh, Tân Gia Lợi, 555, Hồng Sâm..., Quy Nhơn gần đây xuất hiện thêm những tiệm bánh mì với những “phong cách” khác nhau. Ngay cả Công ty TNHH Ngọc Nga (đường Lê Hồng Phong) - DN chuyên sản xuất bánh ngọt các loại - cũng đã sản xuất thêm bánh mì và mở quầy bán bánh mì thịt ngay tại cơ sở.
Tiệm bán bánh mì nướng muối ớt ở ngã tư đường Ngô Mây - Nguyễn Thị Định.
Người thích ăn bánh mì còn có thêm nhiều lựa chọn với bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ (còn gọi là bánh mì kebab), bánh mì chấm, bánh mì nướng muối ớt, bánh mì que, bánh mì nướng lu, bánh mì chả cá… rồi đến “kiểu Đà Nẵng” với chuỗi 5 cửa hàng bánh mì Đệ Nhất, và gần đây nhất là bánh mì Tuấn Mập Sài Gòn (120 Ngô Mây) khai trương đầu tháng 12.2020.
Anh Bình, một người Quy Nhơn đang làm việc ở TP Hồ Chí Minh, khi thấy thông tin bánh mì Tuấn Mập Sài Gòn xuất hiện ở phố biển được cập nhật trên facebook của một người bạn, liền bình luận: “Bánh mì Sài Gòn bán ở Quy Nhơn sao cạnh tranh nổi với bánh mì Quy Nhơn ta?! Hương vị Sài Gòn chỉ hợp với người Sài Gòn thôi!”. Thực tế, bánh mì Tuấn Mập Sài Gòn từ khi khai trương đến nay đã thu hút đông khách.
Tùy theo từng kiểu bánh mì và mức độ đầu tư mà chủ tiệm bánh mì bán với giá khác nhau, nhưng phổ biến từ 10.000 - 15.000 đồng/ổ. Có tiệm bán ổ đặc biệt giá 20.000 đồng. Bánh mì bà Liên trở nên “hiếm có” về giá bán hiện nay, khi một ổ thập cẩm chỉ 7.000 đồng nhưng vẫn đầy đủ trứng, thịt, chả, chà bông... Rẻ, nhưng ngon, bằng chứng là mỗi ngày bà bán hơn 500 ổ bánh mì các loại, cao điểm đến 700 - 800 ổ. Nếu nâng giá hơn nữa theo mặt bằng chung, bà Liên sẽ có thêm khoản thu nhập đáng kể, nhất là đối với một người bán thức ăn bình dân đường phố. Nhưng bà Liên không làm thế, bởi như bà chia sẻ: “Trước đó tôi bán có 5.000 đồng/ổ bánh mì thập cẩm. Hai năm nay tôi lên giá 7.000 đồng/ổ, mà ai muốn mua 5.000 đồng/ổ thì tui cũng bán chớ! Bạn hàng cả mà, có lúc này lúc kia”.
Bài, ảnh: T.DỊU - H.THÀNH