NGĂN CHẶN NẠN TỰ TỬ TRONG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở VÂN CANH:
Cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động
Những câu chuyện đau lòng
Đã gần nửa tháng kể từ ngày vợ ông Đ.V.S. (làng Hà Văn Dưới, xã Canh Thuận) tìm đến cái chết bằng cách tự tử. Nén nỗi đau, ông S. kể: “Trước đây, vợ tôi đã từng có ý định tự tử 3 lần rồi, những lần đó gia đình đều phát hiện và can ngăn, khuyên nhủ, vợ tôi cũng nghe. Nhưng vừa qua, gia đình đi xe máy bị tai nạn, vợ tôi bị nặng hơn và được chăm sóc ở nhà. Vợ có trách móc tại sao chồng con lại không quan tâm, chăm sóc gì, nên tôi chỉ nói qua loa vài câu với vợ rồi đi làm. Trong lúc đi làm rừng thì vợ tôi ở nhà đã treo cổ tự tử, khi phát hiện, bà con hàng xóm đưa đi cấp cứu nhưng không kịp”.
Người có uy tín, cán bộ Phòng Dân tộc huyện Vân Canh đến thăm hỏi, động viên gia đình ông Đ.V.S. (thứ hai từ trái qua) tại làng Hà Văn Dưới, xã Canh Thuận.
Hiện vợ chồng ông Đ.V.S. có 3 người con, trong đó hai người con lớn lại chưa có việc làm, còn đứa con gái nhỏ mới 8 tuổi lại thường xuyên đau ốm, hoàn cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, nên từ khi vợ mất, ông S. một mình phải gánh vác mọi việc trong nhà.
Một trường hợp đau lòng khác là gia đình chị Đ.T.Đ., ở làng Cát, xã Canh Liên. Trước đây, chị Đ.T.Đ. từng có ý định kết hôn với người anh con cậu ruột của mình, nhưng bị mẹ chị là bà Đ.T.T. kịch liệt phản đối, vì đây là hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời bà T. dọa là nếu con không nghe lời sẽ tìm đến cái chết. Khi hay tin, tổ hòa giải và người có uy tín của làng Cát đã đến tìm hiểu, tuyên truyền Luật Hôn nhân gia đình và những tác hại của hôn nhân cận huyết thống, nên chị Đ. đã bỏ ý định kết hôn cận huyết thống. Tuy mọi chuyện đã được giải quyết ổn thỏa như vậy nhưng bà T. vẫn tìm đến cái chết bằng cách thắt cổ tự tử.
Hai vụ việc trên chỉ là điển hình của tình trạng tự tử xảy ra trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Vân Canh trong thời gian qua. Theo thống kê, từ năm 2008 - 2020 trên địa bàn huyện xảy ra 50 vụ tự tử làm chết 50 người. Những người tự tử hầu hết là người DTTS và trong độ tuổi lao động chính.
Bà Trần Thị Tiếng, Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Vân Canh, nhìn nhận: “Vấn nạn tự tử trong đồng bào DTTS gây ra nhiều hệ lụy trong đời sống, tâm lý của gia đình và xã hội; ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng. Tình trạng này kéo dài còn tạo cơ hội cho các phần tử xấu lợi dụng để tuyên truyền xuyên tạc nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc và nảy sinh các vấn đề tiêu cực trong quan hệ xã hội vùng đồng bào”.
Tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động
Qua khảo sát, nguyên nhân của các vụ tự tử rất đa dạng nhưng chung quy lại chủ yếu từ mâu thuẫn gia đình với những lý do rất đơn giản và nhỏ nhặt. Vì nhận thức của đồng bào DTTS còn hạn chế, lòng tự trọng cao, tự ti, mặc cảm và thường sống khép kín, ít biểu lộ cảm xúc, nhất là những sự việc có tính tế nhị, đến khi phát sinh mâu thuẫn không được giải quyết, hoặc bế tắc trong cuộc sống, họ thường nghĩ ngay đến cái chết. Hành vi tự tử được xem là một phản ứng bộc phát, chống đối hay trả thù một cách tiêu cực, tự giết mình để gây ra sự đau khổ cho người thân.
Bà Tiếng cho biết: “Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng tự tử trong đồng bào DTTS, thời gian tới, Phòng Dân tộc huyện sẽ phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện đưa những nội dung tuyên truyền ngăn chặn nạn tự tử một cách phù hợp; lồng ghép thêm nhiều nội dung tuyên truyền như: Sinh đẻ có kế hoạch, bảo vệ quyền của trẻ em, không tảo hôn… gắn với các hoạt động hội thi, văn hóa văn nghệ, giao lưu gặp mặt. Qua đó, tác động trực tiếp đến nhận thức, ý thức coi trọng tính mạng bản thân, để người dân từ bỏ các tập tục, thói quen lạc hậu, thực hiện nếp sống văn hoá mới”.
Theo ông Phạm Thành Tuyên - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Vân Canh - những năm qua, các sở, ban, ngành từ tỉnh đến huyện đã có nhiều động thái tích cực nhằm tìm giải pháp ngăn chặn nạn tự tử. Từ đó, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của cán bộ thôn, làng, các tổ chức đoàn, hội cơ sở và vai trò của già làng, người có uy tín. Phải thật sự đi sâu, đi sát nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con nhằm tuyên truyền vận động theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” để bà con biết quý mạng sống của mình thì số vụ tự tử sẽ được kéo giảm.
Bài, ảnh: CHƯƠNG HIẾU