Trái đất đang quay nhanh hơn, một ngày không còn đủ 24 giờ
Theo các nhà khoa học, một ngày không còn đủ 24 giờ vì Trái đất đang quay nhanh hơn tốc độ của nó ở bất kỳ thời điểm nào trong 50 năm qua.
Ảnh minh họa
Gần đây, Trái đất đã quay ngày càng nhanh lên một cách bất thường khiến một ngày trên hành tinh của chúng ta dần ngắn lại. Sự ngắn đi này rất nhỏ nên chúng ta không nhận biết được. Nếu xu hướng tăng này vẫn tiếp tục, rất có thể đồng hồ của chúng ta sẽ cần phải điều chỉnh.
Theo đó, ngày 19.7.2020 là ngày ngắn nhất kể từ khi các nhà khoa học bắt đầu ghi chép từ những năm 1960 khi Trái đất quay xong một vòng nhanh hơn 1,4602 mili giây (1 mili giây = 1/1.000 giây) so với mức bình thường. Trong năm 2020, đã có 28 ngày phá kỷ lục ngày ngắn nhất so với ngày được ghi nhận vào năm 2005.
Năm 2021 vẫn sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng này, trở thành năm ngắn hơn bao giờ hết. Một ngày trung bình trong năm nay sẽ cán mức nhanh hơn 0,5 mili giây so với thông thường.
Những thay đổi về độ dài của một ngày tiêu chuẩn chỉ được phát hiện sau khi con người phát minh ra các đồng hồ nguyên tử chính xác trong thập niên 1960. Họ so sánh nó với các ngôi sao cố định trên bầu trời. Giây nhuận cuối cùng được thêm vào giao thừa năm 2016. Khi đó, đồng hồ trên khắp thể giới phải "đứng hình" một giây để vòng quay Trái đất đuổi kịp.
Tuy nhiên, Hệ thống Tham chiếu và Vòng quay Trái đất Quốc tế (IERS) đã thông báo vào tháng 7 năm ngoái rằng không có "giây nhuận" nào sẽ được thêm vào giờ hiện hành chính thức của thế giới vào tháng 12 năm 2020 bởi Trái đất đã quay nhanh hơn.
Một nghiên cứu năm 2015 được công bố trên Science Advances cho thấy sự nóng lên toàn cầu có thể là lý do đằng sau vòng quay nhanh hơn của Trái đất. Khi các sông băng tan chảy, sự phân bố lại khối lượng khiến Trái đất dịch chuyển và quay nhanh hơn trên trục của nó.
Giờ đây, Trái đất đang tăng tốc và điều đó đồng nghĩa với việc con người sẽ sớm phải sử dụng một "giây nhuận âm", tức là trừ đi một giây thay vì cộng thêm như từ trước đến nay. Đây sẽ là lần đầu tiên một giây bị loại bỏ khỏi đồng hồ trên toàn cầu.
Các chuyên gia tính giờ trên thế giới đang tranh luận về việc có nên xóa một giây như vậy không. Ông Peter Whibberley, một nhà khoa học nghiên cứu cấp cao tại Phòng Thí nghiệm Vật lý quốc gia Anh, nói với The Telegraph: “Rất có thể cần một giây nhuận âm nếu tốc độ quay của Trái đất tăng lên nữa. Nhưng còn quá sớm để nói liệu điều này có thể xảy ra hay không”.
Hôm 3.1, một ngày Trái đất chỉ kéo dài 23 giờ 59 phút và 59,9998927 giây, sau đó vẫn tiếp tục ngắn lại. Một ngày giờ đây đã ngắn hơn con số 24 giờ. Theo tính toán, đồng hồ nguyên tử trong năm 2021 sẽ lệch đi tổng cộng 19 mili giây.
Theo Vũ Phong (Chinhphu.vn)