Tăng cường phòng ngừa nguy cơ cháy
Đại tá NGUYỄN VĂN LONG
Vào dịp tết Nguyên đán, nguy cơ xảy ra cháy cao hơn bình thường, phóng viên Báo Bình Ðịnh đã có cuộc trao đổi với đại tá Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH thuộc CA tỉnh về việc chủ động các biện pháp phòng ngừa.
Đại tá Nguyễn Văn Long cho biết, năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 73 vụ cháy, làm chết 3 người, bị thương 1 người, thiệt hại về tài sản ước tính trên 107 tỷ đồng. Mặc dù công tác PCCC&CNCH đã được ngành chức năng và chính quyền các địa phương quan tâm; tuy nhiên tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp.
● Như đại tá vừa cho biết, năm 2020 tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Vậy đâu là nguyên nhân?
- Về nguyên nhân khách quan, Bình Định đã và đang đẩy mạnh thu hút đầu tư kéo theo sự phát triển nhanh các khu đô thị, tổ hợp nhà cao tầng, công trình dân dụng phức hợp kết hợp kinh doanh dịch vụ, thương mại và hình thành các khu dân cư tập trung; các khu - cụm công nghiệp, khu kinh tế với nhiều loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh đa ngành, đa nghề, đa lĩnh vực; nhu cầu sử dụng năng lượng điện, nhiên liệu, khí đốt trong sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân ngày càng tăng. Bên cạnh đó, tình hình khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng kéo dài, hạn hán, thiếu nước diễn ra ở nhiều nơi trong mùa khô… là những yếu tố dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy nổ.
Về nguyên nhân chủ quan, ý thức chấp hành pháp luật về PCCC của một bộ phận người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương, chủ cơ sở còn hạn chế, chưa đầu tư cho hoạt động PCCC tương xứng với tính chất hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở. Đặc biệt là một số chủ hộ gia đình và người dân còn lơ là, xem nhẹ công tác PCCC tại gia đình, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, tích trữ các vật dụng, chất hàng nguy hiểm về cháy, nổ một cách tùy tiện; không có kiến thức đảm bảo an toàn PCCC cũng là nguyên nhân gây ra các vụ cháy gây thương vong và thiệt hại lớn về tài sản…
Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH tập huấn công tác PCCC cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP Quy Nhơn. Ảnh: NGUYỄN HÂN
● Qua theo dõi, hầu hết các vụ cháy lớn đều xảy ra tại các DN sản xuất, chế biến gỗ, dăm gỗ tại các khu - cụm công nghiệp. Phải chăng các DN chưa thật sự quan tâm đến công tác PCCC, thưa đại tá?
- Qua thống kê, năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 vụ cháy tại các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, gây thiệt hại lớn về tài sản. Điển hình như vụ cháy tại Xí nghiệp Thắng Lợi thuộc Công ty CP Phú Tài, xảy ra vào ngày 4.9.2020.Vụ cháy này đã thiêu rụi hoàn toàn 5.700 m2 nhà xưởng, cùng các máy móc, thiết bị và gỗ nguyên liệu…, ước tính giá trị thiệt hại khoảng 94 tỷ đồng.
Như chúng ta đều biết, gỗ nguyên liệu là một chất dễ cháy. Trong quá trình gia công, chế tác gỗ sẽ sinh ra nhiều phế phẩm khác như bụi gỗ, mùn cưa, phôi bào hay gỗ vụn rất nhạy với lửa. Ngoài ra, các phụ gia như sơn, dầu bóng và một số dung môi hóa chất khác dùng để bảo quản chất lượng, tăng tính thẩm mỹ cho những thành phẩm được chế biến từ gỗ cũng góp phần tạo ra môi trường dễ phát sinh cháy, nổ. Một số nhà máy chế biến gỗ có dây chuyền sản xuất lạc hậu, thiết bị thường xuyên trục trặc. Hệ thống dây điện bị lão hóa nhưng không kịp thời thay thế, bảo dưỡng, thậm chí còn câu mắc điện nội bộ chồng chéo hết sức nguy hiểm. Việc sắp xếp hàng hóa không khoa học, khi có sự cố cháy nổ xảy ra thường khó xử trí kịp thời.
Nguyên nhân chủ yếu của các vụ cháy nhà xưởng là do công tác phòng ngừa chưa hiệu quả, một số DN chưa chấp hành tốt các yêu cầu về PCCC tại chỗ.
Cảnh sát PCCC đang tham gia chữa cháy tại Công ty CP May Tam Quan (TX Hoài Nhơn) , vụ cháy xảy ra ngày 3.1.2021. Ảnh: Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH, CA tỉnh.
● Thời điểm cận Tết, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH có biện pháp gì để phòng ngừa các sự cố cháy, nổ xảy ra?
- Để phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố cháy, nổ xảy ra trong dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ như: Thường xuyên tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo, triển khai công tác PCCC tại các khu dân cư; tăng cường phối hợp chặt chẽ với cơ quan thông tin đại chúng xây dựng, đăng, phát tin, bài, phóng sự tuyên truyền công tác bảo đảm an toàn PCCC&CNCH; hướng dẫn người dân các biện pháp PCCC. Tổ chức kiểm tra an toàn PCCC, kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm và xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở vi phạm và những người có liên quan.Tăng cường đôn đốc, yêu cầu khắc phục sơ hở, thiếu sót về PCCC và an toàn trong sử dụng điện. Hướng dẫn người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở, chủ hộ gia đình, chủ rừng, chủ phương tiện giao thông tự kiểm tra an toàn PCCC và an toàn trong sử dụng điện trong phạm vi quản lý. Đồng thời, đơn vị cũng tăng cường công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu, kịp thời chữa cháy, CNCH, nhằm hạn chế thấp nhất số vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn lớn.
● Xin cảm ơn đại tá!
NGUYỄN HÂN (Thực hiện)