NGÀNH LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH & XÃ HỘI:
Ðưa chính sách an sinh vào cuộc sống
Năm 2020, trước nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, ngành LÐ-TB&XH đã bám sát công tác trọng tâm, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị và các địa phương đảm bảo quyền an sinh xã hội của nhân dân.
Người lao động tự do phường Lý Thường Kiệt (TP Quy Nhơn) chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 nhận tiền hỗ trợ.
Tích cực thực hiện chính sách an sinh
Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã tác động đến tất cả các ngành, lĩnh vực và các tầng lớp nhân dân. Kịp thời triển khai các nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và văn bản chỉ đạo của tỉnh, ngành LĐ-TB&XH chủ trì thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
“Năm 2021, là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Ðại hội lần thứ XX Ðảng bộ tỉnh, tạo nền móng để làm nên thắng lợi kế hoạch KT-XH của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Ngành LÐ-TB&XH quyết tâm với những mục tiêu mới: Tạo việc làm cho 25.000 lao động (trong đó xuất khẩu lao động 700 người); tỷ lệ tham gia BHXH so với lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đạt 15,8%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân chung của tỉnh từ 1,5% - 2%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 58%...”.
Ông NGUYỄN MỸ QUANG, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH
Nhằm đảm bảo tính nhanh chóng, kịp thời, chính xác, Sở LĐ-TB&XH đã đề xuất UBND tỉnh xây dựng và triển khai phần mềm “Hỗ trợ người dân Bình Định bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19”. Cách làm của Bình Định được Bộ LĐ-TB&XH đánh giá là sáng tạo, linh hoạt và hiệu quả. Vì thế, trong quá trình triển khai chính sách, Bình Định không xảy ra các trường hợp trùng lắp, trục lợi chính sách.
Đến nay, ngành LĐ-TB&XH đã chi trả tiền hỗ trợ trực tiếp đến người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 cho 260.023 đối tượng với tổng số tiền trên 275,5 tỷ đồng. Hoạt động này đã góp phần chia sẻ và hỗ trợ người dân, người lao động vượt qua khó khăn. Ông Nguyễn Kim Anh, 48 tuổi, ở KV 5, phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn, khuyết tật chân, mưu sinh bằng nghề đạp xích lô, cho biết: “Trong giai đoạn giãn cách xã hội, thu nhập của tôi giảm hẳn. Đây là giai đoạn khó khăn. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, người lao động tay chân có thu nhập thấp như tôi thật sự cảm thấy ấm lòng”.
Ngành LĐ-TB&XH cũng tiến hành kiểm tra, rà soát, trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt danh sách 274 hộ có nhà ở bị thiệt hại và hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở chính duy nhất bị sập, bị cuốn trôi hoàn toàn do các đợt mưa, bão năm 2020. Trước đó, 254 hộ có nhà ở bị thiệt hại do cơn bão số 5 năm 2019 đã và đang hoàn thiện xây dựng trước tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Tổng kinh phí hỗ trợ cho 254 hộ này là 6,275 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2020, các địa phương đã “xóa” nghèo cho 269 hộ có thành viên là người có công. Bình Định hiện không còn người có công thuộc diện hộ nghèo. Trong năm, “Đề án thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua hệ thống Bưu điện trên địa bàn tỉnh Bình Định” đã triển khai và bước đầu tạo sự hài lòng cho đối tượng người có công. Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành với 6.173 hộ được hỗ trợ xây, sửa.
Cả hệ thống chính trị đã chung tay cho công tác giảm nghèo. Đến cuối năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh năm 2020 giảm còn 4,1% (giảm 1,2% so với năm 2019). Riêng các huyện nghèo giảm 6,2% so với năm 2019, đạt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra.
Phát triển nguồn nhân lực
Trên lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, ngành LĐ-TB&XH đã hoàn thành chỉ tiêu do HĐND tỉnh giao về tỷ lệ lao động qua đào tạo với 56%. Các đơn vị giáo dục nghề nghiệp sau khi được sắp xếp, bố trí, từng bước đi vào hoạt động ổn định, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về dạy nghề và học nghề, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chính sách của tỉnh hỗ trợ, ưu đãi học nghề; hoạt động tư vấn hướng nghiệp đã được triển khai dưới nhiều hình thức.
Cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin
Năm 2020, có 3.524 hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trước hạn, tỷ lệ 100%, không có hồ sơ trễ hạn. Ngành LÐ-TB&XH cơ bản hoàn thành số hóa hồ sơ người có công; tham mưu UBND tỉnh thông qua phương án đơn giản hóa 2 thủ tục hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đề nghị giảm thời gian giải quyết hồ sơ cho 2 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của ngành.
Ngành LĐ-TB&XH phối hợp với BHXH và các địa phương tăng cường công tác phát triển BHXH tự nguyện. Đến nay, tổng số người tham gia BHXH bắt buộc là 113.333 người, nâng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện toàn tỉnh lên 15.515 người, tăng 7.197 người so với cuối năm 2019. Tỷ lệ tham gia BHXH so với lực lượng lao động trong độ tuổi là 15%.
Nhằm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tăng nhận thức cho người lao động về quyền và trách nhiệm theo quy định pháp luật, Sở LĐ-TB&XH cũng đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền và đối thoại về pháp luật lao động, BHXH, an toàn vệ sinh lao động trong DN. Đây cũng là kênh hữu hiệu để trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người sử dụng lao động, từ đó hoàn thiện công tác quản lý nhà nước và xây dựng chính sách, pháp luật phù hợp, hiệu quả.
Tăng trưởng kinh tế cùng với các cơ chế chính sách, giải pháp hỗ trợ đã góp phần giải quyết việc làm cho 21.545 lao động. Trong đó, ngành LĐ-TB&XH cung ứng và giới thiệu việc làm cho 1.650 người. Chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, công tác xuất khẩu lao động sang các thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc sụt giảm so với kế hoạch đề ra. Có 435 lao động tham gia xuất khẩu lao động.
Bài, ảnh: NGUYỄN MUỘI