Dấu xưa Văn Miếu Bình Định
Văn Thánh miếu hay thường được gọi tắt là Văn Miếu, là nơi thờ Ðức Khổng Tử, người được tôn vinh là Vạn thế sư biểu - Bậc thầy của muôn đời; nguyên thủy là vậy nhưng càng về lõi chức năng chính của nó là làm nơi tôn vinh những bậc khoa cử địa phương, thực hiện các nghi thức, nghi lễ quan trọng hằng năm do chính quyền cử hành, đặc biệt là Tế xuân và Tế thu. Sau nhiều biến động lịch sử, nhiều Văn Miếu không còn nữa, trong số này có Văn Miếu Bình Ðịnh.
Năm 2006 Văn Miếu Bình Định được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh nhưng ngoài việc cắm bia di tích ra đến nay vẫn chưa có động thái nào hơn.
Vị trí nơi Văn Miếu Bình Định từng tọa lạc ngày nay ở tổ dân phố Vĩnh Phú, phường Nhơn Thành, TX An Nhơn. Theo nhiều tài liệu cũng như theo ký ức dân gian, Văn Miếu Bình Định là một công trình rất lớn, là nơi tế tự quan trọng bậc nhất vào dịp lễ tế Xuân Thu nhị kỳ. Sau nhiều năm hoang phế, nay công trình hoành tráng năm xưa không còn nhiều dấu vết. Chỉ còn lại một ít tàn tích và chủ yếu là những ký ức của dân cư quanh vùng. Năm 2006 Văn Miếu Bình Định được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh nhưng ngoài việc cắm bia di tích ra đến nay vẫn chưa có động thái nào hơn.
Ngoài Văn Miếu, ở Bình Ðịnh còn có 6 Văn Chỉ tọa lạc ở các huyện: Tuy Phước, Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Mỹ và TX An Nhơn, TX Hoài Nhơn. Văn Chỉ cũng như Văn Miếu đều là nơi tôn vinh những bậc khoa cử địa phương, thực hiện các nghi thức, nghi lễ quan trọng hàng năm do chính quyền; điểm khác biệt là Văn Miếu do cấp tỉnh quản lý, còn Văn Chỉ là do cấp huyện quản lý.
Theo sách Đại Nam nhất thống chí, Văn Miếu Bình Định được xây từ rất sớm, ngay sau khi vua Gia Long lập niên hiệu đầu tiên vào năm 1802. Tổng hợp nhiều nguồn tài liệu có thể hình dung, Văn Miếu Bình Định nằm phía Bắc tỉnh thành, quy mô rất lớn; dựng năm Gia Long thứ nhất (1802), trùng tu năm Minh Mạng thứ 10 (1829). Một chi tiết thú vị là kề bên Văn Miếu còn có cả một cụm di tích lớn là phủ thành Quy Nhơn - nơi diễn ra chiến công quan trọng đầu tiên của nghĩa quân Tây Sơn - ở phía Bắc; phía Đông Bắc là miếu Hội Đồng (nay là vị trí trường tiểu học); kề bên miếu Hội Đồng cũng về phía Đông Bắc là miếu Thành Hoàng. Bốn công trình này tạo thành một quần thể di tích dày đặc tại tổ dân phố Vĩnh Phú, phường Nhơn Thành, TX An Nhơn.
Hiện nay Văn Miếu Bình Định chỉ còn lại nền móng tòa chánh đường, bức bình phong sau nghi môn; hai tượng kỳ lân rất lớn nằm trước nghi môn (1 tượng đã đổ); đặc biệt còn hai bia “khuynh cái hạ mã” nằm phía trước (bia “khuynh cái hạ mã” là chỉ dấu cho những ai đi qua nơi đó phải “nghiêng lọng xuống ngựa” để tỏ lòng tôn kính những bậc hiền tài, những vị thầy đáng kính có công lao dạy dỗ học trò), trong đó chỉ còn cụm nhà bia bên phải khá nguyên vẹn.
Theo tư liệu ghi nhận năm 1951, Văn Miếu Bình Định có khuôn viên hình chữ nhật kích thước 105 x 60 m, chạy dài theo hướng Bắc - Nam và mặt tiền hướng Nam. Văn Miếu chia làm hai khu: Khu Nam 30 x 60 m; nối tiếp là khu Bắc 75 x 60 m có bố trí cụm công trình chính tại đây. Toàn bộ công trình Văn Miếu vào thời gian này đã không còn nguyên gốc, nên qua khảo sát nhận thấy các công trình bố trí không cân xứng như quy định. Tuy nhiên bấy nhiêu cũng cho chúng ta thấy công trình có quy mô rất lớn với 6 tòa nhà. Trong đó trên khu Bắc có một chính đường và Tả Vu, Hữu Vu tạo thành trọng yếu của Văn Miếu, phía sau chính đường là hai tòa có thể là thần khố và thần trù; tòa nhà còn lại nằm ở khu Nam, phía trước tòa Tả Vu, đây có lẽ là nhà Hữu Văn ở bên trái và không còn thấy nhà Dụy Lễ (Dụy Lễ đường) ở bên phải. Theo tư liệu cũng như phản ảnh của người dân địa phương, sau năm 1945 Văn Miếu xuống cấp khá nhiều, nguyên gốc công trình về chi tiết là như thế nào đến nay vẫn chưa tìm thấy văn bản nào ghi nhận, mô tả.
Khá nhiều địa phương trong cả nước cũng như ở Bình Định đã và đang tổ chức phục dựng công trình Văn Miếu, Văn Chỉ địa phương nhằm biểu dương tinh thần học tập và phát huy giá trị truyền thống. Vì vậy việc quan tâm nghiên cứu về Văn Miếu Bình Định nói riêng và các công trình cổ liên quan trong khu vực nói chung nhằm mục đích giương cao truyền thống uống nước nhớ nguồn, đề cao tinh thần trọng học, hiếu học đến các thế hệ mai sau là việc mà ngành VH&TT cũng như chính quyền TX An Nhơn, tỉnh Bình Định nên quan tâm nhiều hơn.
VÕ NGUYÊN PHONG