Nữ PGS trẻ nặng lòng với nghiên cứu khoa học y sinh
Gắn bó với ngành khoa học y sinh gần 10 năm qua, PGS.TS Nguyễn Thị Mộng Ðiệp (38 tuổi, Trưởng bộ môn Sinh học ứng dụng - Nông nghiệp, khoa Khoa học Tự nhiên, Trường ÐH Quy Nhơn) đã có nhiều đóng góp tích cực trong giảng dạy và nghiên cứu, góp phần làm cầu nối đưa khoa học Việt Nam đến gần hơn với thế giới.
Trăn trở với nghề, với “xứ Nẫu”
Đam mê công nghệ sinh học từ những năm học phổ thông, nên khi tốt nghiệp đại học năm 2005 và được Trường ĐH Quy Nhơn giữ lại làm cán bộ giảng dạy, Nguyễn Thị Mộng Điệp bắt đầu nghiên cứu công nghệ sinh học nông nghiệp. Chị coi nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ để nâng cao kiến thức phục vụ giảng dạy.
PGS.TS Nguyễn Thị Mộng Điệp hướng dẫn sinh viên làm nghiên cứu tại Trường ĐH Quy Nhơn.
Cơ duyên đưa chị đến với khoa học y sinh vào năm 2011, khi làm nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Nông nghiệp quốc gia Pháp (INRA), nghiên cứu về vai trò của protein AMPK (một protein quan trọng trong quá trình trao đổi năng lượng của tế bào). Kết thúc nghiên cứu sinh, được INRA và Trường ĐH Kentstate (Mỹ) mời về làm việc, nhưng chị từ chối. “Tôi muốn trở về nước, theo đuổi giấc mơ xây dựng một phòng thí nghiệm tại Trường ĐH Quy Nhơn, vừa phục vụ cho việc mở hướng nghiên cứu mới về khoa học y sinh trong tỉnh vừa phục vụ giảng dạy”, chị Điệp chia sẻ.
Ngành khoa học y sinh mới xuất hiện ở Việt Nam vài năm gần đây và chưa phát triển tại Bình Định. Vì vậy, mọi thứ đều hoàn toàn mới mẻ. Khó khăn nhất là thiếu thốn cơ sở vật chất, không có nơi để thực hiện các thí nghiệm nghiên cứu, nhưng chị vẫn cố gắng vượt qua. Chị tâm niệm nếu không có người mở đầu và không làm bây giờ thì sẽ khó có cơ hội làm được.
Để tiếp tục theo đuổi khoa học y sinh, PGS Điệp hợp tác nghiên cứu và làm việc với INRA trong nhiều năm, mỗi năm chị đều qua Pháp từ 3 đến 6 tháng. Ở đó, chị có cơ hội làm việc chung với những chuyên gia hàng đầu lĩnh vực sinh học và cũng có cơ hội tiếp cận với điều kiện nghiên cứu tốt hơn. Thời gian về lại Việt Nam, chị đã vận dụng những kiến thức học vào công tác giảng dạy. “Ngoài làm cầu nối giữa Việt Nam và thế giới, tôi còn muốn góp phần quảng bá hình ảnh con người xứ Nẫu nơi tôi sinh ra”, chị bộc bạch.
PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ, Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn, cho biết: “Chúng tôi đang hình thành một nhóm nghiên cứu về sinh sản vô tính tại trường. Sắp tới sẽ kết nối với các trường đại học ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ để tiếp tục mở rộng nhóm nghiên cứu này. Đây sẽ là cơ sở cần thiết để xây dựng phòng thí nghiệm tại trường, hỗ trợ cho hướng nghiên cứu khoa học y sinh tại Bình Định”.
Gian nan ở phía trước
Hướng nghiên cứu PGS Điệp đang theo đuổi là sản xuất hoóc-môn nhân tạo kích thích trứng chín và kích thích rụng trứng, dùng hỗ trợ thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm để điều trị vô sinh hiếm muộn. Ưu điểm nổi trội của hoóc-môn chị nghiên cứu là thời gian bán hủy lâu, dễ dàng sản xuất trên nhiều dòng tế bào thông dụng.
Đầu tháng 11.2020, dự án “Sản xuất các Gonadotropin chuỗi đơn để điều trị sinh sản” của PGS Điệp được Tập đoàn Vingroup chọn tài trợ kinh phí. Đây là bước đệm đầu tiên để chị từng bước hiện thực hóa giấc mơ sản xuất hoóc-môn nhân tạo tại Việt Nam. Nghiên cứu sẽ tạo bước ngoặt lớn cho nền y học Việt Nam nói chung, Bình Định nói riêng, mở ra cơ hội điều trị tốt hơn cho bệnh nhân vô sinh.
Bác sĩ CKII Nguyễn Hữu Tiến, Phó Trưởng khoa Sản (BVĐK tỉnh), cho biết: “BVĐK tỉnh đang trong quá trình tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm điều trị hiếm muộn từ Bệnh viện Từ Dũ TP Hồ Chí Minh. Nghiên cứu của PGS Điệp rất có lợi đối với dự án, giúp người bệnh giảm chi phí, bệnh viện cũng chủ động nguồn hoóc-môn điều trị. Hầu hết hoóc-môn nhân tạo dùng điều trị hiếm muộn hiện nay đều được nhập từ nước ngoài. Tuy vậy, để nghiên cứu triển khai ứng dụng vào thực tế đòi hỏi phải trải qua rất nhiều công đoạn để chứng minh tính hiệu quả của nó”.
Theo TS Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN, nghiên cứu cần đăng ký đề tài cấp nhà nước, thử nghiệm trên chuột để chứng minh hoóc-môn không gây tác dụng phụ, và được Bộ Y tế cấp phép trước khi đưa vào điều trị cho con người.
Đại diện duy nhất Bình Định vào top 10 nhà khoa học tiêu biểu Asia
(BÐ) - Ngày 9.1, tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế Asia 2021 tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thị Mộng Ðiệp, Trưởng bộ môn Sinh học ứng dụng - Nông nghiệp, khoa Khoa học Tự nhiên (Trường ÐH Quy Nhơn) vinh dự nhận giải thưởng Top 10 Tri thức, nhà khoa học sáng tạo và cống hiến tiêu biểu Asia. Top 10 Tri thức, nhà khoa học sáng tạo và cống hiến tiêu biểu Asia là 1 trong số 10 top hạng mục được trao giải tại diễn đàn lần này. PGS.TS Nguyễn Thị Mộng Ðiệp là đại diện duy nhất của Bình Ðịnh được vinh danh tại giải thưởng cao quý này.
Diễn đàn Hội nhập Kinh tế Asia năm nay với chủ đề “Tăng cường hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc - ASIA thịnh vượng”. Ðây là sự kiện lớn được tổ chức thường niên tại các quốc gia trong khu vực Châu Á.
KHÁNH LINH
Bài, ảnh: HỒNG HÀ