Tập trung thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng
(BĐ) - Chiều 12.1, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành Thanh tra. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Tham dự tại điểm cầu Bình Định có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, năm 2020, toàn ngành triển khai 6.199 cuộc thanh tra hành chính và 181.227 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 86.369 tỷ đồng, 6.366 ha đất. Qua đó, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 23.843 tỷ đồng, 830 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính đối với 2.123 tập thể và nhiều cá nhân; ban hành 90.193 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 7.164 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 97 vụ, 99 đối tượng...
Bên cạnh đó, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC); công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) được Thanh tra Chính phủ, các ngành, các cấp tiếp tục quan tâm, tăng cường và có sự chuyển biến rõ nét.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, biểu dương kết quả đạt được trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN. Những kết quả này góp phần quan trọng trong việc củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; tạo sự ổn định chính trị - xã hội, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế. Đồng thời, Thủ tướng chỉ ra một số hạn chế như: Nhiều cuộc thanh tra triển khai chậm so với kế hoạch; công tác quản lý nhà nước về hoạt động thanh tra chưa thường xuyên; tỷ lệ thu hồi về kinh tế còn thấp. Tình hình KNTC vẫn diễn biến phức tạp, nhất là trong lĩnh vực đất đai; tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN chưa được ngăn chặn hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, năm 2021, hoạt động của các cơ quan thanh tra cần đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với bối cảnh, tình hình hiện nay. Bám sát định hướng công tác thanh tra năm 2021 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, tập trung thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra; nhất là tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng. Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật tố cáo, Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị. Giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng quy định việc KNTC mới phát sinh ngay từ cấp cơ sở.
VĂN LỰC