Giải Búa liềm vàng năm 2020: Lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực
Theo Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng, trong 4 mùa giải Búa liềm vàng trước đây, nội dung thường thiên về mảng “chống” nhiều hơn nhưng năm nay, số lượng tác phẩm về mảng “xây” lại khá nhiều.
+ Ông Ngô Minh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng. (Nguồn: VOV)
Qua 5 năm phát động, Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) đã khẳng định được vai trò, vị thế, uy tín và sức lan tỏa trong việc tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng.
Lễ công bố và trao Giải Búa liềm vàng năm 2020 - một sự kiện chính trị quan trọng - sẽ được tổ chức vào tối nay (13.1).
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã trao đổi với ông Ngô Minh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng, Cơ quan Thường trực Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng.
- Thưa ông, Giải Búa liềm vàng lần thứ V-năm 2020 đã nhận được tổng số 1.710 tác phẩm, tăng 50 tác phẩm so với năm 2019. Là cơ quan thường trực của giải, ông đánh giá như thế nào về chất lượng các tác phẩm tham dự mùa giải năm nay?
Ông Ngô Minh Tuấn: Giải Búa liềm vàng lần thứ V năm 2020 được phát động trong thời điểm cả nước bước vào đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đây cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của Đảng và đất nước.
Báo chí cả nước đã vào cuộc tuyên truyền trước, trong và sau Đại hội với tinh thần trách nhiệm và đầy nhiệt huyết. Giải Búa liềm vàng lần thứ V năm 2020 như một “luồng sinh khí” giúp các phóng viên, biên tập viên, cơ quan báo chí thêm nhiệt huyết và tinh thần, góp phần vào việc tuyên truyền về sự thành công của các đại hội.
Năm 2020 diễn ra nhiều sự kiện, những vấn đề từ trước đến nay chưa từng có như dịch Covid-19, tình hình bão lũ nghiêm trọng ở miền Trung... Đây là đề tài mà báo chí và toàn xã hội rất quan tâm.
Có thể nói, các vấn đề lớn như đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng; vấn đề phòng, chống dịch Covid-19; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai... đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý Nhà nước. Đây là những đề tài rất phong phú, hấp dẫn và nhiều cảm xúc để báo giới tuyên truyền.
- Nét mới trong nội dung của các tác phẩm tham dự Giải Búa liềm vàng lần thứ V là gì, thưa ông?
Ông Ngô Minh Tuấn: Như tôi đã nói, năm 2020 có nhiều đề tài phong phú, hấp dẫn. Vì thế, số lượng tác phẩm tham dự giải cũng tăng lên so với năm trước và các tác phẩm đã phủ khắp tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhiều bộ, ban, ngành đã phát động cán bộ, đảng viên, các cơ quan báo chí trong lĩnh vực phụ trách hưởng ứng giải.
Nội dung các tác phẩm phản ánh tương đối toàn diện, tổng thể về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, an ninh-quốc phòng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và có nhiều nét mới.
Trước đây, nhiều địa phương có số lượng tác phẩm chưa nhiều, chất lượng chưa cao, nhưng năm nay, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, địa phương đã vào cuộc mạnh mẽ.
Một số cơ quan báo chí ở Trung ương tích cực hưởng ứng giải, nhiều tỉnh như Quảng Nam, Tây Ninh, Tiền Giang, Bình Dương… đã có sự cố gắng nổi bật trong việc phát động, tổ chức thực hiện.
Một nét mới nữa là chủ đề. Trong 4 mùa giải trước, chủ đề giữa “xây” và “chống” thường thiên về mảng “chống” nhiều hơn, nghĩa là có nhiều bài phản ánh việc phòng, chống tiêu cực, tham nhũng... Tuy nhiên, năm nay, số lượng tác phẩm về mảng “xây” lại khá nhiều, như phản ánh những gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, những cách làm sáng tạo, hiệu quả, mô hình mới...
Nhiều tác phẩm được phóng viên, biên tập viên công phu tìm tòi cách thể hiện, tạo sự hấp dẫn khán, thính giả và bạn đọc. Với tinh thần lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, tôi cho rằng đây là hướng đi đúng đắn và rất đáng hoan nghênh.
- Theo đánh giá của Ban Tổ chức, các tác phẩm tham gia giải đã 'hiến kế' như thế nào trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thưa ông?
Ông Ngô Minh Tuấn: Qua 5 mùa tổ chức, các tác phẩm tham dự Giải Búa liềm vàng không chỉ phản ánh những tấm gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, những mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả, mà đồng thời chỉ ra được những hạn chế, yếu kém trong từng lĩnh vực để cơ quan quản lý có biện pháp xử lý, khắc phục.
Đồng thời, nội dung được phản ánh trên các tác phẩm như một kênh thông tin để lãnh đạo các địa phương, các bộ, ban, ngành Trung ương nắm được tình hình chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng, đối ngoại. Đây như là một “hàn thử biểu” cho biết mức độ tín nhiệm của cán bộ đối với nhân dân, cảm nhận của nhân dân đối với kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các bộ, ban, ngành, địa phương. Qua đó, lãnh đạo bộ, ban, ngành, địa phương nắm được tình hình và có biện pháp xử lý, khắc phục, điều chỉnh để đạt kết quả tốt hơn.
+ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trao giải A cho tác giả và nhóm tác giả đoạt giải Búa liềm vàng lần thứ IV-năm 2019. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
- Theo chương trình, tại lễ trao giải báo chí Búa liềm vàng lần thứ V, Ban Tổ chức sẽ phát động giải báo chí Búa liềm vàng lần thứ VI. Năm 2021 là năm đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Vậy các tác phẩm báo chí tham dự Giải Búa liềm vàng lần thứ VI cần hướng về các vấn đề gì, thưa ông?
Ông Ngô Minh Tuấn: Ngoài việc tập trung phản ánh, tuyên truyền các sự kiện lớn của Đảng, đất nước, những hoạt động thời sự chính trị, trong năm 2021, báo chí nên tập trung tuyên truyền việc đưa nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống. Có nhiều vấn đề đặt ra như tuyên truyền, phổ biến nghị quyết, quán triệt nghị quyết đối với cán bộ, đảng viên...
Qua việc triển khai nghị quyết, báo chí cũng nên phản ánh những bất cập trong quá trình thực hiện. Các tác phẩm nên giới thiệu những mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả của từng địa phương, đơn vị để hiến kế cho Đảng và Nhà nước triển khai nhân rộng...
Theo Phan Phương (TTXVN/Vietnam+)