Nạo vét hạch trong điều trị ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là căn bệnh nguy hiểm và đang ngày càng phổ biến. Việc áp dụng kỹ thuật phẫu thuật nội soi cắt dạ dày nạo vét hạch điều trị ung thư dạ dày thời gian qua tại BVÐK tỉnh đã góp phần kéo dài sự sống cho nhiều bệnh nhân.
Ca phẫu thuật nội soi cắt dạ dày và nạo vét hạch cho ông Trần Văn T., xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn tháng 2.2020. Ảnh: BVĐK tỉnh
Phẫu thuật nội soi cắt dạ dày nạo vét hạch bắt đầu áp dụng tại BVĐK tỉnh năm 2016, nhưng chưa được triển khai thường quy. Từ năm 2018, bác sĩ CKII Phạm Văn Phú, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp (BVĐK tỉnh) triển khai đề tài khoa học: “Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi cắt bán phần dưới dạ dày do ung thư tại BVĐK tỉnh” và được Hội đồng KH&CN chuyên ngành tỉnh nghiệm thu cuối năm 2020. Đây là kỹ thuật ít xâm lấn, mang lại hiệu quả cao. Ung thư dạ dày hay gặp ở phần hang vị, góc bờ cong nhỏ nên phẫu thuật chỉ cắt bỏ bán phần dưới dạ dày, do vậy vẫn đảm bảo được một phần chức năng chứa đựng của dạ dày.
Tháng 2.2020, ông Trần Văn T. (50 tuổi, xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn) nhập viện trong tình trạng đau thượng vị, nôn ói. Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư hang - môn vị dạ dày. Đây là ca bệnh khó vì bệnh nhân nhập viện muộn. Ca phẫu thuật nội soi cắt bán phần dưới dạ dày và nạo vét hạch cho bệnh nhân do ê kíp bác sĩ Phạm Văn Phú thực hiện gần 4 tiếng đồng hồ. Sau 1 ngày, bệnh nhân có thể uống được nước đường, ăn cháo loãng. Hơn một tuần sau mổ, ông T. được xuất viện, tiếp tục theo dõi trong 1 tháng, sau đó chuyển sang khoa Ung bướu để hóa trị.
Ông T. là 1 trong hơn 50 bệnh nhân đã được điều trị bằng kỹ thuật nội soi cắt dạ dày nạo vét hạch tại BVĐK tỉnh. Theo bác sĩ Phú, hiện đây là kỹ thuật điều trị chính trong các trường hợp ung thư dạ dày còn khả năng cắt bỏ tại Việt Nam. Kỹ thuật này mổ qua camera với độ phóng đại gấp 4 lần, bác sĩ thấy rõ mạch máu và vét hạch sạch hơn. Trước đây, bệnh nhân đều phải thực hiện mổ hở, hậu phẫu diễn tiến nặng nề hơn, nhất là bệnh nhân lớn tuổi. Với phẫu thuật nội soi, hậu phẫu nhẹ nhàng hơn, bệnh nhân ít đau, thời gian nằm viện ngắn, có nhu động ruột sau mổ sớm hơn và ít mất máu hơn, nhờ đó phục hồi sức khỏe nhanh hơn.
“Kỹ thuật và thiết bị hỗ trợ phẫu thuật nạo vét hạch được bệnh viện cải tiến dần dần theo từng giai đoạn, từ mổ bằng dao điện đơn cực, khâu nối bằng tay, chuyển sang mổ bằng dao siêu âm, khâu nối bằng máy; nhờ đó giúp giảm thời gian phẫu thuật, tăng độ an toàn. Tới nay, chưa ghi nhận ca biến chứng nghiêm trọng nào sau mổ”, bác sĩ Phú chia sẻ.
Theo BVĐK tỉnh, đa phần các bệnh nhân ung thư dạ dày được phẫu thuật tại bệnh viện là bệnh nhân nghèo và bệnh nhân cao tuổi. Thời gian qua, bệnh nhân được phẫu thuật bằng dao điện đơn cực và khâu nối tay, hoặc được bệnh viện hỗ trợ dao mổ siêu âm. Do đó, chi phí phẫu thuật điều trị rất thấp, khoảng 25 triệu đồng/trường hợp, bệnh nhân có BHYT đồng chi trả 20%, chỉ khoảng 5 - 6 triệu đồng.
Tuy nhiên, bác sĩ Phú cho hay hoạt động này đang gặp khó khăn khi thực hiện sử dụng dao mổ siêu âm cũng như các máy khâu nối ruột tự động. Theo đó, ngoài thanh toán 20% chi phí đồng chi trả BHYT, bệnh nhân sẽ phải trả thêm tiền mua dao mổ (khoảng 20 triệu đồng/cái), mua máy khâu nối (khoảng 10 triệu đồng/cái). Bộ dao mổ siêu âm dùng được từ 3 - 4 lần, trong khi máy khâu nối chỉ sử dụng được 1 lần. “Chúng tôi đang tính đề xuất phương án xã hội hóa, vận động 3 - 4 bệnh nhân mua chung một dao mổ, để giảm chi phí cho bệnh nhân”, ông Phú cho biết thêm.
Còn Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Võ Thành Nam Bình, cho biết: “Xã hội hóa là bệnh nhân sẽ đóng góp một phần chi phí điều trị để mua thiết bị, dụng cụ y tế, từ đó giúp nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên, việc xã hội hóa trong thời gian tới sẽ được triển khai theo một lộ trình nhất định”.
HỒNG HÀ