Viện KSND 2 cấp nâng cao chất lượng công tố, kiểm sát
Tiếp tục đề cao trách nhiệm, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp là biện pháp mà viện KSND 2 cấp tiếp tục triển khai thực hiện nhằm đảm bảo chất lượng xét xử các vụ án, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn.
Ngành KSND tỉnh thường xuyên tổ chức những cuộc thi, trao đổi nghiệp vụ giúp đội ngũ kiểm sát viên nâng cao nghiệp vụ.
Giao trách nhiệm cụ thể
Năm qua, Viện KSND tỉnh đã kịp thời phân công kiểm sát viên kiểm sát điều tra vụ án hình sự ngay từ khi thụ lý tin báo và khởi tố vụ án, kiểm sát chặt hoạt động điều tra của cơ quan điều tra, kịp thời đề ra yêu cầu điều tra và phối hợp với điều tra viên thực hiện tốt hoạt động giải quyết án hình sự. Nhờ đó, tiến độ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm đạt tỷ lệ 93%, trong đó tỷ lệ giải quyết tin báo đúng hạn đạt 100%. Không có trường hợp nào bị viện KSND 2 cấp truy tố mà TAND tuyên không phạm tội; tỷ lệ giải quyết án của viện KSND đạt từ 99% trở lên; số bị can viện KSND truy tố đúng tội danh đạt 100%; số vụ viện kiểm sát trực tiếp hỏi cung bị can trên 90%. Bên cạnh đó, ngành còn tổ chức 75 phiên tòa rút kinh nghiệm; áp dụng thủ tục rút gọn để điều tra, truy tố, xét xử 3 vụ/6 bị can; ban hành 17 kiến nghị yêu cầu TAND khắc phục vi phạm trong quá trình giải quyết án, vi phạm thời hạn gửi bản án cho viện kiểm sát.
Có được kết quả này là do ngành KSND tỉnh đã phối hợp tốt với các cơ quan liên quan, đồng thời kiểm tra chặt chẽ hoạt động của cấp dưới, từ đó tháo gỡ từng việc một. Đơn cử như Viện KSND TP Quy Nhơn, mỗi năm phải giải quyết khoảng 250 án hình sự và hơn 1.000 án dân sự, hành chính, nhưng tỷ lệ các loại án được đơn vị hoàn hành luôn đạt trên 93%. Phó Viện trưởng phụ trách Viện KSND TP Quy Nhơn Phạm Hoàng Thu Thủy chia sẻ: “Bình quân mỗi kiểm sát viên xử lý khoảng 30 vụ/năm. Nhưng nhờ phân công các loại án phù hợp, kịp thời hướng dẫn, rút kinh nghiệm từng vụ việc cụ thể và xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng kiểm sát viên trong việc bám sát, xử lý án nên mọi vướng mắc phát sinh trong quá trình xử lý án đều được giải quyết ngay”.
Viện trưởng Viện KSND tỉnh Trần Văn Sang chia sẻ: “Ban cán sự đảng, lãnh đạo Viện luôn quán triệt chủ trương tăng cường trách nhiệm công tố từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, gắn công tố với hoạt động điều tra để chống oan, sai, lọt tội. Thường xuyên kiểm tra tiến độ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và ban hành yêu cầu kiểm tra xác minh, hỏi cung bị can trước khi phê chuẩn quyết định khởi tố bị can là yêu cầu bắt buộc của từng đơn vị. Không những thế, chúng tôi cũng rất đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong quá trình thực thi nhiệm vụ công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra nhằm kịp thời phối hợp xử lý vụ việc sớm và đúng pháp luật”.
Tiếp tục phát huy
Năm 2021, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ngành KSND tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Thực hiện hiệu quả chủ trương tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra, nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại các phiên tòa nhằm bảo đảm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Viện trưởng Viện KSND tỉnh Trần Văn Sang nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục bám sát cơ sở và phối hợp với các ngành chức năng kịp thời tháo gỡ những vấn đề còn tồn đọng, vướng mắc trong công tác giải quyết án. Với trách nhiệm ngày càng nặng nề, mỗi cán bộ, kiểm sát viên sẽ không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Và để thực hiện đạt được mục tiêu năm 2021, ngành KSND tỉnh đã đặt ra mục tiêu bảo đảm 100% nguồn tin đều được tiếp nhận, thụ lý, giải quyết và kiểm sát đúng quy định của pháp luật. Kiểm sát viên được phân công phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm thực hành quyền công tố, kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Kiểm sát 100% vụ án hình sự ngay từ giai đoạn tiếp nhận tin báo đến khởi tố và suốt quá trình tố tụng; xây dựng kế hoạch kiểm sát điều tra, chủ động đề ra các yêu cầu điều tra, thu thập chứng cứ theo hướng buộc tội và gỡ tội một cách khách quan, thận trọng. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. “Nếu để xảy ra trường hợp viện kiểm sát truy tố, sau đó tòa tuyên bị cáo không phạm tội hoặc bản án bị hủy để điều tra, xét xử lại, có trách nhiệm của kiểm sát viên thì cán bộ, kiểm sát viên có liên quan phải kiểm điểm trách nhiệm. Đây sẽ là một trong những căn cứ khi xem xét bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các chức danh tư pháp”, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Trần Văn Sang khẳng định.
Bài, ảnh: KIỀU ANH