Phát hiện trường hợp mang 18 đột biến của SARS-CoV-2
Mới đây, các nhà khoa học Nga đã lần đầu tiên phát hiện một bệnh nhân Covid-19 mang tới 18 đột biến khác nhau của virus trong cơ thể.
Nghiên cứu được nhóm chuyên gia công bố trên Virological - diễn đàn thảo luận và phân tích sự tiến hóa của virus, dịch tễ học.
Ảnh minh họa
Bệnh nhân này là nữ, 47 tuổi, có bệnh nền ung thư hạch bạch huyết ác tính, được điều trị Covid-19 từ tháng 4 đến tháng 9/2020. Trong hơn 4 tháng nhiễm SARS-CoV-2, bộ gene của người này có 18 đột biến mới gia tăng độc lập, bao gồm các đột biến được tìm thấy ở các ổ dịch liên quan đến loài chồn ở Đan Mạch và biến thể ở Anh.
Đây là bệnh nhân Covid-19 đầu tiên trên thế giới được ghi nhận mang một lúc quá nhiều đột biến virus. Với rất nhiều thay đổi, các nhà khoa học cho rằng các đột biến tạo nên biến thể mới hoàn toàn.
Theo nhà miễn dịch học Nikolai Kryuchkov, Covid-19 thay đổi nhanh chóng ở những người có hệ miễn dịch suy yếu. Bệnh nhân này vào thời điểm đó đang trong phác đồ hóa trị ung thư, tạo điều kiện thích hợp để virus biến đổi.
Ông Pavel Volchkov, chuyên gia kỹ thuật bộ gene, Trưởng phòng thí nghiệm tại Viện Vật lý và Công nghệ Moscow, lưu ý biến thể ở bệnh nhân này có những điểm giống với phiên bản của Anh, song cũng sở hữu đặc tính riêng.
Trước đó, ngày 12.1, Viện Gamaleya, nơi phát triển vaccine Sputnik V, cho biết khả năng cao Nga đã xuất hiện biến thể SARS-CoV-2 hoàn toàn mới. Hiện Nga là vùng dịch lớn thứ 4 thế giới, với hơn 3 triệu ca nhiễm và 63.370 trường hợp tử vong vì Covid-19, tính đến ngày 14.1.
Mỹ phát hiện 2 biến thể SARS-CoV-2 mới
Trong một diễn biến liên quan, các nhà khoa học tại Đại học Ohio (Mỹ) hôm 13.1 tuyên bố đã phát hiện được 2 biến thể SARS-CoV-2 hoàn toàn mới, dễ lây lan hơn, khác với các biến thể tại Anh hay Nam Phi.
Tuy nhiên, các bằng chứng đến nay vẫn còn khá sơ bộ, giới khoa học cho biết cần nghiên cứu thêm.
Theo ông Daniel Jones, chuyên gia sinh học phân tử, người đứng đầu nghiên cứu, biến thể mới thứ nhất được phát hiện ở một người phụ nữ lớn tuổi trong quá trình giám sát di truyền định kỳ của các nhà khoa học tại Đại học bang Ohio.
Biến thể thứ 2 lần đầu xuất hiện vào Giáng sinh. Số ca nhiễm liên quan biến thể này tương đối nhỏ. Nó chứa 3 đột biến của protein S, bộ phận mà SARS-CoV-2 sử dụng để bám vào tế bào người.
Một số chuyên gia khuyến cáo nên thận trọng khi giải thích tác động của biến thể mới ở Ohio. Tiến sĩ Emma Hodcroft, chuyên gia dịch tễ học phân tử, Đại học Bern, Thụy Sĩ, cho biết: "Khi điều tra sâu hơn, chúng ta sẽ tìm thấy nhiều biến thể và đột biến hơn. Song rất ít đột biến chưa từng thấy trước đây".
Bà nói thêm: "Các đột biến như trên đã xuất hiện và biến mất nhiều lần. Vì vậy tôi không chắc việc phát hiện thêm biến thể chứa đột biến này có phải điều gì quá đặc biệt hay không".
Tiến sĩ Hodcroft cho biết sự xuất hiện của biến thể thứ hai quan trọng hơn vì nó giống với phiên bản trước đó từng được tìm thấy ở Massachusetts và Tây Virginia.
Đến nay, công tác giám sát SARS-CoV-2 ở Mỹ còn hạn chế. Các phòng thí nghiệm chỉ giải trình tự một phần nhỏ mẫu virus. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ có cái nhìn rõ ràng hơn về các biến thể mới xuất hiện.
Nhóm nghiên cứu ở Ohio đã giải mã 222 mẫu SARS-CoV-2 kể từ tháng 4, tăng 5 mẫu trong 6 tuần gần đây sau khi nhận báo cáo về biến thể ở Anh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 13/1 cũng công bố báo cáo hàng tuần cho thấy 50 nước và vùng lãnh thổ đã ghi nhận chủng SARS-CoV-2 mới từ Anh, trong khi chủng từ Nam Phi xuất hiện ở 20 nước và vùng lãnh thổ.
Theo H.Phương (Chinhphu.vn)