Vì khát vọng lớn lao của Bình Ðịnh
Ngày 14.1, Tỉnh ủy, HÐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức gặp mặt 110 đại biểu đại diện nhân sĩ trí thức, doanh nhân, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo. Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã chia sẻ, góp nhiều ý kiến với chung nguyện vọng đưa Bình Ðịnh ngày càng phát triển, sớm đạt mục tiêu có mặt trong nhóm các tỉnh dẫn đầu của khu vực miền Trung.
Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Phi Long - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Phong Vũ - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Huỳnh Thúy Vân - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Động lực cho khát vọng
Năm 2020, với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các DN trong tỉnh, Bình Định đã thực hiện hoàn thành phần lớn các mục tiêu, kế hoạch phát triển KT-XH đã đề ra. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương (GRDP) ước đạt 3,61%, cao nhất trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện; tổng thu ngân sách nhà nước vượt 23,6% dự toán năm; kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên đạt mốc hơn 1 tỷ USD…
Quang cảnh buổi gặp mặt.
Những thành tựu này có ý nghĩa quan trọng, tạo niềm tin và tác động tích cực vào việc mở rộng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Linh mục Võ Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh, bày tỏ tại buổi gặp mặt: “Những kết quả đáng phấn khởi của tỉnh trong năm 2020 là tin vui mang đến sự ấm áp cho nhân dân Bình Định trong thời điểm cuối năm 2020, đầu năm 2021 đầy lạnh giá”.
“Góp sức vào kết quả chung ấy phải kể đến vai trò quan trọng của đội ngũ nhân sĩ trí thức, doanh nhân. Nhân sĩ trí thức là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong lao động sáng tạo, trong quá trình hoạch định và thực hiện thành công đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; trong tư vấn, tham vấn, phản biện và đề ra nhiều sáng kiến, giải pháp về KHKT. Đồng thời, tích cực trong bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa nghệ thuật truyền thống; trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo, giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội…”, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Phong Vũ nhấn mạnh.
Nhiều đề tài khoa học được đội ngũ trí thức tỉnh nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả. Có thể kể đến như: “Nghiên cứu thiết kế chế tạo thiết bị phân tích một số chỉ tiêu an toàn thực phẩm bằng phương pháp điện di mao quản” của TS Lê Công Nhường (Sở KH&CN) và PGS.TS Cao Văn Hoàng (Trường ĐH Quy Nhơn); “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng chiến lược phát triển Bình Định trở thành một cực tăng trưởng phía Nam vùng kinh tế trọng điểm miền Trung” của TS Võ Ngọc Anh (Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Bình Định); “Tổng hợp và biến tính tantan nitrua nhằm ứng dụng làm chất xúc tác quang cho phản ứng khử CO2 trong vùng ánh sáng khả kiến tạo nhiên liệu tái sinh” của PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Cẩm (Trường ĐH Quy Nhơn); “Phẫu thuật can thiệp tối thiểu điều trị chấn thương cột sống ngực - thắt lưng mất vững bằng vị qua da tại BVĐK tỉnh” của bác sĩ CKII Đào Văn Nhân (BVĐK tỉnh)…
Đội ngũ doanh nhân là lực lượng năng động, sáng tạo, thích ứng với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, có vai trò quan trọng trong việc góp phần làm chuyển đổi nền kinh tế tỉnh. Nhiều DN kinh doanh, sản xuất giỏi như: Công ty CP Cảng Quy Nhơn, Công ty CP Cảng Thị Nại, Công ty Xăng dầu Bình Định, Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư… Nhiều dự án có quy mô sản xuất lớn đang được triển khai như: Dự án Khu công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định (Công ty CP BECAMEX Bình Định); Dự án sản xuất 3 giống gà MD1.BD, MD2.BD, MD3.BD (Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư) được Bộ NN&PTNT chứng nhận tiến bộ kỹ thuật - công nghệ mới năm 2017 và chứng nhận OCOP sản phẩm gà giống đạt tiêu chuẩn 5 sao năm 2019…
Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm
Đại diện cho DN trên lĩnh vực công nghệ và khoa học, TS Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Tường Minh (TMA Solutions), cho biết: “Hai năm gần đây, công ty đã có thể tạo việc làm cho hầu hết những sinh viên khá, giỏi ở 3 ngành: Công nghệ thông tin, Toán, Kỹ thuật công nghệ của Trường ĐH Quy Nhơn. Hiện tại, Trường ĐH Quy Nhơn không cung cấp đủ cho nhu cầu nhân lực của chúng tôi, chưa kể đến các đơn vị bạn đóng chân trên địa bàn tỉnh như Tập đoàn FPT, Công ty phần mềm Fujinet Systems... Thời gian tới, Bình Định cần tiếp tục đầu tư, quảng bá thương hiệu “Điểm đến của các dự án công nghệ thông tin” mạnh hơn nữa. Qua đó, thu hút được các đối tác nước ngoài; đồng thời, có kế hoạch tăng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Mặt khác, có kế hoạch phát triển công nghiệp, có chính sách cụ thể để thu hút đầu tư của các DN, đặc biệt là DN ngoài nước”.
TS Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Tường Minh kiến nghị Bình Định cần tiếp tục đầu tư, quảng bá thương hiệu “Điểm đến của các dự án công nghệ thông tin” mạnh hơn nữa.
Trên lĩnh vực y tế, Thầy thuốc ưu tú Lê Thái Bình, Giám đốc TTYT TX An Nhơn, có nhiều chia sẻ tâm huyết. Ông cho rằng: “Tỉnh nên có chính sách đào tạo bác sĩ trẻ, đặc biệt là đào tạo những lĩnh vực mũi nhọn của bệnh viện; cần đầu tư cho bác sĩ trẻ ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh. Mặt khác, cần sớm cho các bệnh viện, TTYT tự chủ tài chính để có thể chủ động hoạt động, tăng cường trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, chi phí cho đào tạo và chi thu nhập tăng thêm cho các y, bác sĩ”.
Giám đốc TTYT TX An Nhơn Lê Thái Bình đề xuất tỉnh có chính sách đào tạo bác sĩ trẻ, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, sớm cho các bệnh viện, TTYT tự chủ tài chính.
Với đội ngũ giảng viên ngày càng chất lượng, có khát vọng cống hiến cho địa phương, Trường ĐH Quy Nhơn đang tăng cường mở rộng sự tham gia vào lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu khoa học, hoạt động cộng đồng tại tỉnh. TS Nguyễn Đình Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn, gửi gắm: “Mong lãnh đạo tỉnh có buổi làm việc chuyên đề với nhà trường để có những định hướng cụ thể, để trường có những đóng góp đúng hướng, hiệu quả hơn đối với sự phát triển của tỉnh. Đề nghị các cơ quan, ngành, đơn vị liên quan đến lĩnh vực khoa học công nghệ của tỉnh nghiên cứu, đề xuất ra phong trào theo hướng “mỗi nhà khoa học gắn với một địa bàn, địa phương cụ thể” để tăng tính ứng dụng của các công trình khoa học”.
Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh Đồng Thị Ánh đề xuất: “Tỉnh cần tiếp tục tạo cơ chế chính sách để DN trong và ngoài tỉnh, nhà đầu tư được tiếp cận thị trường mới và thực hiện kinh doanh trong môi trường hội nhập quốc tế. Đồng thời, quan tâm cải cách hành chính, hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực kinh doanh, hỗ trợ pháp lý về xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ; dành sự quan tâm hơn nữa đối với giới nữ làm công tác quản lý, lãnh đạo DN. Năm 2021, đề nghị tỉnh thành lập Hiệp hội DN của tỉnh nhằm tập hợp các hội DN”.
Hãy góp sức, chung lòng
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng (ảnh) nhắc lại những thành công của tỉnh trong năm 2020, chia sẻ với các đại biểu nhân sĩ trí thức, doanh nhân, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo về những điểm quan trọng trong phát triển kinh tế, nhấn mạnh về định hướng của tỉnh trong giai đoạn mới và 5 trụ cột tăng trưởng, 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: “Mục tiêu lớn của Bình Ðịnh là phấn đấu trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu của khu vực miền Trung. Với những gì chúng ta đã đạt được, với khát vọng về một Bình Ðịnh giàu đẹp hơn, với nguồn nhân lực, tiềm năng và lợi thế sẵn có, chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều đó. Tôi kỳ vọng tất cả nhân sĩ trí thức, doanh nhân, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo tiếp tục góp sức, chung lòng đưa Bình Ðịnh thực hiện được khát vọng lớn, đáp ứng được sự mong mỏi, kỳ vọng của nhân dân”.
Bài, ảnh: NGUYỄN MUỘI