PGS.TS ÐỖ NGỌC MỸ - Hiệu trưởng Trường ÐH Quy Nhơn:
Chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng
Trong mỗi giai đoạn phát triển của thế giới, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế luôn tạo ra những cơ hội và thách thức khác nhau đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực mà ở đó giá trị cốt lõi là con người. Trong 5 năm tới, Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và sẽ phải thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nếu chúng ta có chiến lược đầu tư cho đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đúng đắn sẽ phát huy được lợi thế so sánh trong cạnh tranh và mang lại phúc lợi tối đa cho đất nước.
Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho các lĩnh vực then chốt, tập trung nâng cao... cũng là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược được Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề ra.
Thời gian qua, việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của nước ta cơ bản phục vụ cho nhu cầu “nội địa”; mối quan hệ cung - cầu lao động chủ yếu diễn ra trong phạm vi quốc gia. Khi hội nhập càng sâu vào nền kinh tế toàn cầu, chất lượng nguồn nhân lực được đánh giá theo các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Trong đó, ngoại ngữ, hành vi ứng xử, văn hóa giao tiếp... là những yêu cầu không thể thiếu đối với nhân lực trong hệ thống công quyền, cộng đồng DN và cả người lao động giản đơn nhất. Do đó, thời gian đến, hệ thống đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực của quốc gia và địa phương buộc phải tiếp tục đổi mới để thích ứng với môi trường hoạt động quốc tế.
Tôi muốn nhấn mạnh đến hai khía cạnh cơ bản cần giải quyết nhằm chuẩn bị tốt nhất nguồn nhân lực đảm bảo cho việc hội nhập quốc tế thành công của đất nước trong thời gian đến.
Một là tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, đặc biệt chú trọng nhiệm vụ nhanh chóng quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên và kiên quyết sắp xếp lại các trường đại học. Trên cơ sở đó, Nhà nước tập trung đầu tư đúng mực, có trọng tâm, trọng điểm nhằm đảm bảo cho hệ thống “máy cái” đào tạo, bồi dưỡng và cung cấp đội ngũ nhà giáo có chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu đổi mới giáo dục ở bậc học phổ thông.
Bên cạnh đó là huy động mọi nguồn lực đảm bảo đầy đủ các điều kiện và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để triển khai một cách cẩn trọng và có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới để tạo ra được một thế hệ mới đầu tiên có đầy đủ tố chất từ sự đổi mới căn bản này.
Sinh viên ngành Sư phạm Toán của Trường ĐH Quy Nhơn thực tập tại Công ty TMA Solutions. Ảnh: HỒNG HÀ
Và, quan trọng là phải đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu chuyển đổi số. Trong đó chú ý đầu tư phát triển nhân lực các ngành khoa học cơ bản và khoa học mũi nhọn (khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo…) nhằm phát huy thế mạnh của Việt Nam. Triển khai thực hiện ngay các nội dung của “Chương trình trọng điểm quốc gia về phát triển toán học giai đoạn 2021 - 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22.12.2020, nhất là nội dung hỗ trợ xây dựng 3 trung tâm nghiên cứu và ứng dụng toán ở 3 miền (ở miền Trung và Tây Nguyên đặt tại khoa Toán và Thống kê, Trường ĐH Quy Nhơn).
Hai là thu hút và trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước. Cụ thể, cần đổi mới chế độ tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài trong quản lý, quản trị nhà nước, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, có cơ chế khuyến khích các tổ chức quốc tế, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động đào tạo, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao KH&CN ở Việt Nam. Cần nhanh chóng khảo sát, thẩm định, phê chuẩn Dự án Khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa được đề xuất bởi UBND tỉnh Bình Định và Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành; xem đây là nơi hội tụ khoa học nhân loại và hình mẫu kết nối các nhà khoa học của Việt Nam với thế giới.
Hội nhập quốc tế sẽ tác động mạnh mẽ trên bình diện quốc gia, vùng, miền cũng như từng tỉnh, thành phố. Lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, biết cách chuẩn bị và khơi dậy sức mạnh nguồn nhân lực của địa phương để phát triển bền vững là thước đo năng lực, bản lĩnh và hiệu quả quản trị trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
NGUYỄN VĂN TRANG (Ghi)