Phù điêu rồng hình lá đề và tượng thần Kinnari: Những hiện vật độc đáo
Trong quá trình kết nối với các địa phương để quảng bá các nền văn hóa xưa trên lãnh thổ Việt Nam, Trung tâm UNESCO nghiên cứu, bảo tồn cổ vật Việt Nam đã 2 lần trao tặng cổ vật cho Bảo tàng tỉnh Bình Định vào các năm 2008 và 2013. Trong số đó, đáng chú ý có 2 cổ vật bằng đất nung dùng để trang trí trong kiến trúc Hoàng Thành Thăng Long xưa là phù điêu rồng hình lá đề và tượng thần Kinnari.
Hiện vật thứ nhất là phù điêu được bố cục trong hình lá đề (lá nhĩ), viền xung quanh là hình hoa văn cuộn sóng, bên trong là đề tài trang trí hình hai con rồng (tích lưỡng long tranh châu), đuôi phía trên, thân chúc xuống. Đầu rồng châu vào nhau và hướng lên phía trên viên ngọc. Tạo tác hình rồng mang đầy đủ các đặc trưng của rồng thời Lý - Trần (mình trơn, đầu rồng có mào nhọn hướng về phía trước, bố cục đăng đối, giàu tính mỹ thuật). Phù điêu trang trí này rất có thể đã được dùng để gắn lên đầu ngói ống lợp diềm mái của các công trình kiến trúc cung đình.
Phù điêu rồng hình lá đề.
Giới nghiên cứu lịch sử và mỹ thuật đều thừa nhận nghệ thuật điêu khắc thời Lý - Trần là một nét son rực rỡ trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam. Nền điêu khắc ấy khởi phát mạnh mẽ trong bối cảnh Đại Việt mới thoát khỏi cảnh nghìn năm Bắc thuộc, giương cao ý chí tự chủ, tràn trề khát vọng khẳng định độc lập. Ở giai đoạn thái bình đó, Phật giáo trở thành quốc giáo; ảnh hưởng sâu sắc đến lĩnh vực mỹ thuật nói chung, đặc biệt là nghệ thuật điêu khắc. Những nghệ nhân tài hoa thời kỳ này đã tạo tác nên những tác phẩm điêu khắc mang vẻ đẹp của sự tự do trong cảm hứng sáng tạo và cái nhìn phóng khoáng dù thấm đẫm âm hưởng Phật giáo. Cùng với các đề tài về thiên nhiên như mây, nước, hoa sen, hoa cúc… hình tượng rồng Đại Việt - hoàn toàn khác với rồng Trung Hoa - xuất hiện xuyên suốt trong các công trình kiến trúc.
Tượng thần Kinnari bằng đất nung.
Hiện vật thứ hai là tượng Kinnari bằng đất nung được tạo tác với khuôn mặt bầu tròn, ngực ưỡn về phía trước, đầu đội mũ giống như mũ quan, hơi bợt về phía sau; hai tay như đang dâng một tờ sớ. Ngoài 2 tay cầm sớ còn có đôi cánh thu lại ở phía gần đuôi. Đuôi chúc ngược nhô cao hơn đầu. Khuôn mặt bầu tròn trông rất phúc hậu, mũi thẳng, miệng nhỏ, mắt mở nhìn thẳng. Tượng Kinnari thường được người Chăm dùng trang trí thành băng trên diềm mái tháp. Khi xuất hiện ở Hoàng Thành Thăng Long, rõ ràng chi tiết này thể hiện rõ tinh thần tiếp thu văn hóa Champa, qua đó còn cho thấy tính mở, dung nạp đặc trưng của các nền văn hóa khác của văn hóa Đại Việt.
NGUYỄN VIẾT TUẤN