Giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống
Chị Đinh Thị Đem, 51 tuổi, dân tộc Bana ở khu phố Klot-pok, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Năm 12 tuổi tôi học cách kéo sợi, dệt thổ cẩm, bố trí hoa văn trên áo, váy theo truyền thống của người Bana K’riêm từ mẹ và chị. So với 20 năm trước, nay người ta bán nguyên liệu dệt thổ cẩm (chỉ, len) khá nhiều với đủ màu sắc, vừa bền đẹp lại vừa rẻ. Thời gian để hoàn thành một bộ áo, váy nữ và áo, khố nam được rút ngắn. Thế nhưng, số lượng người thạo nghề dệt lại ít. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng cơ bản là phải mất 2 - 3 tuần làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh, bán với giá từ 1,8 - 2,5 triệu đồng - khá thấp so với đi làm công nhân, thợ hồ. Chưa kể, hàng thổ cẩm hiện không có đầu ra ổn định.
Chị Đinh Thị Đem dệt thổ cẩm.
Dù vậy, hằng ngày chị Đem vẫn gắn bó với khung cửi, dệt nên những bộ váy, áo… thổ cẩm hoa văn Bana tinh tế. Những sản phẩm do chị làm ra được nhiều người đón nhận không chỉ vì mẫu mã phong phú, hoa văn đa dạng mà còn vì giá cả hợp lý, phù hợp với túi tiền và thẩm mỹ của đồng bào. “Năm nay, mình dệt được hơn 20 bộ áo, váy nữ; áo, khố nam và cả chăn, thu nhập hơn 30 triệu đồng. Mình vui khi sản phẩm làm nên được nhiều người đón nhận và đặt hàng”, chị Đem kể.
Kỹ thuật dệt thổ cẩm Bana tương đối giống với của đồng bào Chăm H’roi, H’rê. Song về hoa văn, họa tiết trang trí thì có nhiều nét khác nhau. Thổ cẩm của người Bana K’riêm ở Vĩnh Thạnh dùng nhiều họa tiết hoa văn hình học với các đường thẳng, đường cong, hình tam giác. Họa tiết thường là những nét hoa văn li ti chồng lên nhau tạo thành một dải phức hợp quanh một mẫu trang trí chính là ngôi sao tám cánh dệt trên nền trắng. Người Bana chọn màu đen làm màu chủ đạo trong trang phục thổ cẩm kết hợp với các màu đỏ, trắng và điểm một ít màu vàng, xanh non tạo nên ấn tượng mạnh mẽ nhờ sự tương phản.
Nhiều năm qua, chị Đinh Thị Đem nỗ lực truyền nghề cho con, cháu trong gia đình và ở địa phương. Ông Nguyễn Đình Thảo, Trưởng Phòng VH&TT huyện Vĩnh Thạnh, nhận xét: “Hiện nay, những người dệt thổ cẩm thành thạo, tay nghề khá như chị Đinh Thị Đem không nhiều. Mừng nhất chị Đem vẫn sống được với nghề và giàu tâm huyết trong lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa độc đáo trên mỗi loại sản phẩm do chính mình làm nên. Chị còn là hạt nhân nòng cốt đại diện cho huyện Vĩnh Thạnh tham gia phần thi dệt thổ cẩm tại ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số miền núi của tỉnh và đạt nhiều giải thưởng”.
Bài, ảnh: TRỌNG LỢI