Vân Canh phát huy vai trò người có uy tín
Thời gian qua, huyện Vân Canh luôn quan tâm, làm tốt công tác vận động và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, người có uy tín đã tham gia nhiều công việc xã hội, thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng.
Theo bà Trần Thị Tiếng, Phó Phòng Dân tộc huyện Vân Canh, trong những năm qua, đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện luôn là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách pháp luật, tích cực lao động sản xuất, xóa bỏ hủ tục lạc hậu.
Ông Đinh Văn Thải, người có uy tín làng Hà Lũy, xã Canh Thuận (ngoài cùng bên phải) thường xuyên tuyên truyền cho người dân các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Điển hình như ông Đinh Văn Thải, dân tộc Bana, là người có uy tín tại làng Hà Lũy, xã Canh Thuận. Ông Thải luôn đi đầu trong công tác vận động dân làng phát triển kinh tế để xóa đói giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, lễ hội, bỏ các tập tục lạc hậu, không còn phù hợp. Ông đã tổ chức hòa giải thành công hơn 20 vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, hôn nhân gia đình… Nhờ đó, nhiều năm liền, làng Hà Lũy không xảy ra vi phạm pháp luật, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên.
Hay như tại khu phố Hiệp Hội, thị trấn Vân Canh, ông Lê Văn Ru, dân tộc Chăm, được nhiều người quý mến bởi rất xông xáo trong các hoạt động của khu phố. Ngoài chia sẻ kinh nghiệm, giúp mọi người cùng sản xuất, chăn nuôi bò, dê để phát triển kinh tế, ông Ru còn vận động bà con chấp hành các quy ước của làng như không uống rượu quá đà, không theo tà đạo, không gây rối.
Ngoài ra, còn nhiều điển hình người có uy tín khác như: Ông Mai Thanh Vân, sống tại làng Suối Đá, xã Canh Hiệp có “biệt tài” hòa giải; ông Sâu Zuôi Nam ở làng Kà Xim, xã Canh Thuận là hạt nhân tích cực ngăn chặn việc truyền đạo trái phép, bài trừ các hủ tục lạc hậu; ông Đinh Văn Dũng, sống tại làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận, đã cùng cấp ủy và chính quyền địa phương tích cực vận động người dân, đồng bào dân tộc Bana khôi phục các nghề truyền thống; ông Đinh Văn Trí sống tại làng Hà Giao, xã Canh Liên tình nguyện hiến hơn chục sào đất để làm đường và các công trình khác tại địa phương,…
Huyện Vân Canh hiện có 28 người có uy tín là bí thư chi bộ, trưởng thôn, làng, cán bộ về hưu, sinh sống tại 28 thôn, làng, khu phố. Đây chính là những hạt nhân và là cầu nối quan trọng góp phần tuyên truyền, vận động nhân dân và đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện có hiệu quả các phong trào: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, Ba không (không để các tổ chức phản động móc nối hoạt động; không để kẻ xấu tuyên truyền đạo trái phép; không để tập tục lạc hậu tồn tại, phát triển và nhân dân tự giải quyết các mâu thuẫn xảy ra ở cơ sở), góp phần giữ bình yên cho cuộc sống người dân ở các thôn, làng, khu phố, phát triển KT-XH.
Ông Nguyễn Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, cho biết: Nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, chính quyền huyện Vân Canh sẽ định kỳ hằng năm tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công tác vận động quần chúng, thường xuyên cung cấp thông tin, tình hình phát triển KT-XH, chủ trương, chính sách mới cho người có uy tín. Tạo điều kiện cho người có uy tín phát huy vai trò của họ đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là tham gia góp ý kiến xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương.
Bài, ảnh: CHƯƠNG HIẾU