Xử trí khi bị ngộ độc bia, rượu
Những ngày Tết, lượng rượu bia được tiêu thụ nhiều hơn, số người nhập viện do ngộ độc rượu cũng tăng cao. Không ít trường hợp bị ngộ độc rượu không được xử trí kịp thời đã dẫn đến biến chứng hôn mê sâu, thậm chí tử vong.
Điều trị bệnh nhân ngộ độc rượu bia bao gồm đảm bảo đường thở, bù dịch điện giải, thăng bằng kiềm toan, kiểm soát đường máu. Kết quả điều trị thường là tốt với những bệnh nhân nhập viện sớm, thường là đang nhậu hoặc khi mới về nhà. Có những trường hợp nhập viện sau một đêm ngủ say, sáng ra không dậy nổi. Với những trường hợp này, thường để lại nhiều di chứng về thần kinh, có khi bị tàn phế cả đời, thậm chí tử vong.
Nguyên nhân dẫn đến ngộ độc rượu bia là do uống nhiều, uống nhanh, uống nhiều loại khác nhau, uống lúc bụng đói; thường xảy ra với những người ít khi uống, không biết uống nhưng lại bị ép uống. Ngộ độc ethanol có thể cấp tính hoặc mạn tính, phụ thuộc vào lượng rượu người đó thường xuyên uống. Ngộ độc cấp tính người bệnh cảm thấy buồn nôn, nôn ói, đau bụng. Nồng độ ethanol trong máu thấp gây cảm giác phấn khích. Nồng độ ethanol cao hơn làm suy yếu hệ thần kinh trung ương: nói líu nhíu, thay đổi nhận thức về môi trường xung quanh, phán đoán không chính xác, rối loạn vận động… Nồng độ ethanol trong máu rất cao gây hạ đường máu, hạ thân nhiệt, hôn mê, co giật, suy hô hấp, tử vong.
Ngộ độc mạn tính xảy ra khi uống rượu kéo dài dẫn đến sút cân, giảm albumin, giảm canxi, kali, magie, phospho máu, chán ăn, tiêu chảy do tổn thương gan và ruột, da tái do thiếu máu, thoái hóa gan, xơ gan, có thể ung thư gan, mất trí nhớ, run, rối loạn tâm thần, nhiễm toan ceton, axit lactic.
Tuyệt đối không uống rượu khi đói và trong khi uống vẫn phải dùng thức ăn nhằm làm chậm hấp thu rượu, tránh tình trạng cảm lạnh do đói, rét, hôn mê hạ đường máu rất nguy hiểm.
Để phòng ngộ độc rượu, nên chọn loại rượu có thương hiệu, đảm bảo an toàn thực phẩm và chỉ uống ít, không nên uống nhanh, uống nhiều loại bia rượu trong một ngày.
Khi có người bị ngộ độc rượu, người nhà cần chú ý chăm sóc, tuyệt đối không nên để ngủ li bì suốt ngày hoặc suốt đêm bởi có thể hạ đường huyết, hạ nhiệt độ. Trường hợp bệnh nhân không thể dậy và ăn được thì nên đưa tới bệnh viện ngay để tránh xảy ra những tình huống đáng tiếc.
Khi say rượu nên cho uống nhiều nước, sau đó tìm cách gây nôn hết, nhưng không được cố gắng gây nôn nếu người đó đã bất tỉnh. Cố gắng để người bệnh ngồi, giữ cho tỉnh, cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng. Cho người bệnh uống một cốc sữa nóng, ăn cháo nóng. Nếu người bệnh phải nằm thì nên nằm nơi thoáng mát, tránh gió lùa; nằm úp, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái (phòng sặc chất nôn, hít chất nôn vào phổi, gây viêm phổi, tử vong). Nếu có biểu hiện co giật, thở không đều, loạn nhịp tim, huyết áp cao hoặc thấp, nôn liên tục không kiểm soát, phải đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay.
BS NGUYỄN PHAN ANH NGỌC