Xuân về rộn rã trống tuồng
Mỗi năm, đến kỳ diễn Xuân, các đoàn hát bội không chuyên trong tỉnh lại bận rộn chuẩn bị hành trang cho một mùa diễn sôi động nhất trong năm.
Đôn đáo kiếm “tờ”
Bên cạnh điều quan trọng nhất là đủ đào, kép, vở diễn, việc ký được “tờ” (hợp đồng diễn tuồng) đối với mỗi đoàn tuồng không chuyên cũng vô cùng quan trọng trong việc duy trì đoàn hoạt động ổn định, lâu dài. Trước mùa diễn Xuân năm nay, hỏi thăm các trưởng đoàn về số lượng tờ đã ký, sẽ diễn dịp Tết này, ai nấy đều “than”: “chua như giấm”! Các “ông bầu” ví von, tuồng không chuyên mở màn sân khấu năm Giáp Ngọ na ná tình cảnh ngư dân gặp mùa biển động. Lòng mộ điệu hát bội của người dân nhiều nơi thì vẫn vậy nhưng do kinh tế khó khăn, thiên tai, mất mùa… nên số địa phương mời đoàn tuồng về hát giảm đáng kể. Thêm vào đó, Bình Định hiện có tới 13 đoàn tuồng không chuyên đang hoạt động nên khó tránh cảnh “đất chật người đông”.
Vợ chồng Trưởng Đoàn tuồng không chuyên Nhơn Hưng chuẩn bị phục trang trước mùa diễn Xuân.
Tuy khó khăn hơn so với các năm trước, nhưng đến thời điểm này, hầu như đoàn nào cũng có trong tay vài hợp đồng, đủ để háo hức khởi động mùa diễn đầu tiên của năm và tiếp tục gắn bó với nghiệp nghệ sĩ tuồng chân đất. “Bạn hàng” chính của các đoàn phần lớn là những miền quê, làng biển trong, ngoài tỉnh có truyền thống mộ điệu hát tuồng, không năm nào đón Tết cổ truyền mà vắng tiếng trống chầu. Đoàn tuồng Nhơn Hưng sẽ ra quân, diễn ba đêm, bắt đầu từ mùng 4 Tết tại Nhơn Tân (thị xã An Nhơn), sau đó gối đầu diễn liên tiếp từ mùng 7 đến mùng 9 tại Nhơn Phúc (thị xã An Nhơn) và mùng 10 đến Rằm tháng Giêng tại Nhơn Lý (TP Quy Nhơn). Được thành lập vào tháng 10.2012, Đoàn tuồng không chuyên Ngô Mây (thuộc Phòng VH-TT Phù Cát) “sinh sau đẻ muộn” nhất nên phải nỗ lực gấp nhiều lần để “bằng chị bằng anh”. Tết này, Đoàn cũng kín lịch. “Mùng 1, 2, 3, Đoàn hát ở phường Bình Định (thị xã An Nhơn), mùng 4, 5, 6 hát ở An Khê (tỉnh Gia Lai), xong phải tức tốc về để kịp mùng 7, 8, 9 hát ở Ca Công Bắc - Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn), đến Rằm tháng Giêng lại lên đường đi Xuân Hải (tỉnh Phú Yên). Đoàn mới ra đời, ít người biết đến, “mối quen” chưa có là bao, bấy nhiêu “tờ” là kết quả suốt năm qua anh em diễn viên nỗ lực biểu diễn để ghi dấu ấn trong lòng khán giả”, Trưởng đoàn Hoàng Kiều phấn khởi cho biết.
Mùa vui
Sau những tháng mưa lạnh lẽo, lê thê, “mùa vui” của sân khấu hát bội lại theo chân mùa Xuân về và kéo dài đến quá nửa năm, từ những ngày Tết Nguyên đán đến hết Giêng, bước qua tháng Hai, Ba… Đến tháng Bảy, Tám, nghệ sĩ tuồng không chuyên lại bận rộn với mùa hát thanh minh, cầu ngư… Trưởng đoàn - người cầm chịch ở mỗi đoàn tuồng - thuộc làu làu từng ngày cúng miễu, cúng đình, tổ chức thanh minh, cầu ngư… của những địa phương mê hát bội, để sẵn sàng mời “tờ”. Nhưng họ cũng thường xuyên đón nhận những niềm vui bất ngờ và là nguồn khích lệ lớn lao. “Cách đây mấy ngày, người ngoài Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) gọi vô kêu “tờ” cho dịp lễ Điện Bà 16.4 âm lịch. Mới hôm qua, các bác ở Vạn Đức Phổ (xã Cát Minh, huyện Phù Cát) cũng gọi vô, “nhắc chừng chứ để tụi bây quên, dzẫy nghen con, 12.6 âm lịch về hát. Nhớ sắm bổn tuồng nào hay hay!”. Nghĩ vui trong lòng, các ngày lễ truyền thống hàng năm tới tận tháng 4, tháng 6 âm lịch mới diễn ra mà nay bà con đã kêu “tờ”. Hai “mối” này, Đoàn hát từ 3, 4 năm trước, được dân mến, dân nhớ đến vầy, bạn hát chúng tui vui lắm!” - Trưởng Đoàn tuồng Nhơn Hưng, diễn viên Lệ Hoa cho biết.
Các đoàn tuồng không chuyên trong tỉnh đang dốc sức chuẩn bị cho mùa diễn Xuân.
- Trong ảnh: Hai đào, kép chính - Công Lễ (trái) và Thu Hường của Đoàn tuồng Ánh Dương trong vở Tam Hạ Nam Đường.
Vợ chồng nghệ sĩ Minh Lưỡng - Lệ Hoa giở sổ tuồng ra tính, 6 tháng đầu năm 2013, Đoàn đã diễn tổng cộng 135 suất; 6 tháng cuối năm mặc dù “nghỉ đông” nhưng Đoàn cũng đã diễn gần 50 suất. Trong ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong xóm Phò An (phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn), đôi nghệ sĩ nông dân này cặm cụi chuẩn bị cho mùa lưu diễn mới. Anh bào chuốt, sơn mới lại những binh khí bằng tre; chị may vá, kết cườm những trang phục, mũ mão, đai lưng…
Những ngày này, Đoàn tuồng Ngô Mây gồm 20 người, với 12 diễn viên, còn lại là nhạc công, kỹ thuật, chị nuôi… đang “chạy sô cuối năm”. Đoàn đóng sổ tuồng năm Quý Tỵ bằng hợp đồng diễn ba đêm tại phường Tân Lập, thành phố Buôn Mê Thuột (tỉnh Đắk Lắk). Trước đó, Đoàn đã có một “kỷ lục” khi diễn tới 21 suất tại huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). “Trong hợp đồng chỉ hát 6 suất, may nhờ tổ đãi, diễn viên diễn xuất hết mình, bà con mến mộ nên ký thêm tờ, đây là kỳ lưu diễn ngoài tỉnh dài ngày nhất của Đoàn. Khép lại năm cũ và mở ra năm mới với số hợp đồng kha khá trong tay, anh em bạn hát trong Đoàn phấn khởi lắm! Tết này, gia đình tôi không chỉ mình tôi vắng nhà, hai em ruột tôi là Phạm Đình Sử, Phạm Đình Giỏi (đều là nhạc công) cũng đón Tết trên sân khấu”, Trưởng đoàn Hoàng Kiều chia vui.
Hỏi thăm các đoàn tuồng không chuyên khác: Trần Quang Diệu, Ánh Dương, Phước An, Sao Mai… đoàn nào cũng trong tâm thế sẵn sàng ra quân. Bận rộn ấy, náo nức ấy, khí thế ấy gieo vào tôi một niềm tin mãnh liệt: nguồn sống bền bỉ của nghệ thuật hát bội chưa bao giờ thôi dào dạt trên đất này!
SAO LY