PHỔ BIẾN, TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT TẠI HUYỆN TUY PHƯỚC:
Ðổi mới hình thức, hướng về cơ sở
Thời gian qua, huyện Tuy Phước không ngừng đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật, các buổi tuyên truyền pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa. Bên cạnh đó, huyện chú trọng tuyên truyền pháp luật ở cơ sở, giúp người dân nâng cao kiến thức và ý thức tuân thủ pháp luật.
Tuyên truyền, PBGDPL bằng hình thức sân khấu hóa đã mang lại hiệu quả tích cực tại huyện Tuy Phước.
Đa dạng, đổi mới
Theo Phòng Tư pháp huyện Tuy Phước, UBND huyện đã ban hành nhiều quyết định, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) để các ngành, địa phương trong huyện triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền pháp luật với hình thức đa dạng, mới mẻ, như: CLB pháp luật, CLB trợ giúp pháp lý (TGPL), các mô hình cùng nhau tìm hiểu pháp luật trong cộng đồng dân cư... Đặc biệt, công tác PBGDPL thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tuyên truyền pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa được các ngành, địa phương tập trung thực hiện và đạt nhiều hiệu quả tích cực.
Đơn cử, năm 2020, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tuy Phước tổ chức 72 buổi phát động tuyên truyền, tìm hiểu pháp luật với hơn 4.300 lượt người tham gia. Hội Nông dân huyện tổ chức 4 đợt thi tìm hiểu pháp luật cho hơn 1.860 lượt người dân tham gia. Phòng GD&ĐT huyện tổ chức 3 cuộc thi tìm hiểu pháp luật về phòng chống tệ nạn xã hội, ATGT cho hơn 20.960 lượt học sinh tham gia.
Hội LHPN huyện xây dựng các mô hình tư vấn pháp luật, TGPL miễn phí cho đối tượng phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình thông qua các địa chỉ tin cậy, CLB TGPL. Phòng LĐ-TB&XH, Hội Luật gia huyện tư vấn pháp luật miễn phí cho các đối tượng là người khuyết tật, gia đình chính sách. UBND xã Phước Lộc tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật về bình đẳng giới bằng hình thức sân khấu hóa với hàng nghìn lượt người tới xem, cổ vũ.
Ông Tô Minh Chánh, Trưởng phòng Tư pháp huyện Tuy Phước, nhìn nhận: Các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tuyên truyền pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa thu hút đông đảo người dân tham dự. Những quy định, nội dung khô cứng của pháp luật chuyển tải qua các vở kịch, tiểu phẩm hài được người dân chăm chú lắng nghe, theo dõi và nhớ lâu hơn.
Qua đó, tuyên truyền sâu rộng, khuyến khích các tầng lớp nhân dân tìm hiểu, nắm vững kiến thức pháp luật; chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật tại địa phương. Đồng thời, tuyên truyền, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi trái pháp luật; giữ gìn, phát huy những truyền thống tốt đẹp của gia đình, cộng đồng dân cư.
Hướng về cơ sở
Ngoài chú trọng đổi mới hình thức, huyện Tuy Phước còn tập trung tuyên truyền, PBGDPL ở cơ sở thông qua các mô hình giúp nhau tìm hiểu pháp luật tại các xã, thị trấn. Đơn cử như 5 CLB pháp luật tại xã Phước Quang, Phước Thắng, Phước Lộc và thị trấn Diêu Trì, Tuy Phước. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 7 CLB TGPL với 109 thành viên; 7 mô hình “Phụ nữ với pháp luật” với 235 thành viên; 13 CLB “Phòng chống bạo lực gia đình - Ngăn ngừa giảm thiểu bạo lực giới” với 685 thành viên; 2 CLB “Phòng chống tệ nạn xã hội” với 210 thành viên.
Bên cạnh đó, các mô hình “Phụ nữ với ATGT”, “Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Phụ nữ với chiến sĩ biên phòng”, “Xóm bình yên, gia đình hòa thuận” cũng góp phần tích cực, hiệu quả trong việc tuyên truyền, PBGDPL đến từng khu dân cư và mỗi hộ gia đình.
Các ngành và địa phương trên địa bàn huyện Tuy Phước còn quan tâm triển khai, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả trong công tác tuyên truyền, PBGDPL. Nổi bật như mô hình “Họ tộc không có tội phạm” ở xã Phước Nghĩa và Phước An, “Họ đạo không có tội phạm và tệ nạn xã hội” ở xã Phước Hưng và Phước Sơn, “Nghe dân nói, nói dân nghe” ở xã Phước Quang, “Dân vận khéo về bảo vệ môi trường” của Hội CCB huyện.
Ngoài ra, công tác hòa giải ở cơ sở cũng được các xã, thị trấn chú trọng thực hiện; việc củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở được các địa phương thực hiện thường xuyên. Hiện 101 thôn, khu phố thuộc 13 xã, thị trấn có 105 tổ hòa giải cơ sở với 850 hòa giải viên được tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đảm bảo thực hiện tốt công tác hòa giải.
Theo ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, các ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp liên ngành để tuyên truyền, PBGDPL mang lại hiệu quả tích cực, thiết thực. Công tác tuyên truyền pháp luật được đổi mới, nhất là hình thức sân khấu hóa, đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân được nâng lên; góp phần giữ vững ANTT, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương. Kết quả này đóng góp không nhỏ vào việc đến nay huyện Tuy Phước đã đủ điều kiện để các bộ, ngành Trung ương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
Bài, ảnh: VĂN LỰC