Ðiện sáng làng Canh Tiến
Hơn nửa tháng nay, bà con dân tộc thiểu số làng Canh Tiến, xã Canh Liên, huyện Vân Canh đã có điện phục vụ sinh hoạt và đời sống. Bây giờ đến làng, thấy nhiều nhà đã sắm ti vi, thiết bị, đồ dùng điện tử... Ban đêm trong làng bừng ánh điện, ngày như dài thêm, xóm thôn rộn rã hơn với những hoạt động cộng đồng.
Điện sáng Canh Tiến
Nằm ẩn khuất giữa núi non trùng điệp và lòng hồ Núi Một rộng lớn, muốn đến làng Canh Tiến chỉ có thể di chuyển bằng thuyền hàng giờ đồng hồ trên hồ Núi Một (xã Nhơn Tân, TX An Nhơn) hoặc vượt núi từ xã Canh Hiệp (Vân Canh). Không có đường, không có điện, không trạm phát sóng, không sóng điện thoại... khiến ngôi làng gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn. Với 115 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 71,8%) và 41 hộ cận nghèo (25,6%), chỉ có 4 hộ thoát nghèo, có thể nói, nếu Canh Liên là xã vùng cao, khó khăn nhất tỉnh thì Canh Tiến là làng khó khăn nhất của xã Canh Liên.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng tặng quà cho bà con làng Canh Tiến.
Thấu hiểu những khó khăn đặc thù của bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao này, hưởng ứng sự vận động của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trong chương trình “Thắp sáng bản làng”, mang lại an sinh xã hội cho những vùng, khu vực chưa có điện lưới quốc gia, Công ty CP Cảng Quy Nhơn và Công ty CP Năng lượng sinh học Phú Tài, Công ty CP Nguyệt Anh, Công ty CP đầu tư quốc tế và xuất nhập khẩu DHT; Công ty TNHH Thương mại Quí Phước, Công ty TNHH Đức Hải, Công ty TNHH Hào Hưng đã phối hợp thực hiện khảo sát, thi công, lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời tới 153 hộ gia đình, nhà văn hóa thôn và nhà rông của làng với tổng kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng. Theo đó, mỗi hộ được trang bị 1 bộ tấm pin năng lượng mặt trời công suất 100W;
1 bộ Inverter công suất 500W- chuyển đổi nguồn điện một chiều 12V sang điện xoay chiều 220V; 1 bộ điều khiển sạc điện năng lượng mặt trời công suất 30 Ampe; 1 bình ắc quy 12V-52 Ampe giờ (Ah) dùng để lưu trữ điện nạp từ tấm pin năng lượng mặt trời... và các thiết bị đi kèm khác. Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Cảng Quy Nhơn, nhà tài trợ chính, cho biết: “Chúng tôi nhận thức rằng mang lại an sinh xã hội cho địa phương là một phần trách nhiệm của DN. Vì vậy, chúng tôi rất vinh dự được cùng các DN khác thực hiện công trình điện năng lượng mặt trời cho bà con làng Canh Tiến. Hệ thống điện năng lượng mặt trời hoàn thiện, đưa vào sử dụng đã đáp ứng một phần nhu cầu sinh hoạt của bà con, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở”.
Rộn rã mừng vui
Khỏi phải nói bà con dân tộc thiểu số làng Canh Tiến vui như thế nào. Đến thăm nhà ông Đinh Văn Canh, 57 tuổi, một gia đình có 6 người. Ông Canh bày tỏ niềm vui khi tự tay mở các bóng đèn điện ở nhà trên, nhà dưới, khu bếp. Căn nhà bỗng sáng trưng, ấm áp trong tiết trời đông u ám ở vùng cao. Ông chia sẻ: “Giờ cháu mình đã có điện để học bài. Buổi tối cả nhà quây quần xem ti vi. Mình được nghe thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước. Các con mình xem văn nghệ của người Kinh, vui lắm!”.
Ông Đinh Văn Mực, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Canh Liên, cho biết: “Có công trình ý nghĩa này, bà con làng Canh Tiến đã có điện để thắp sáng. Đời sống sinh hoạt, sản xuất sẽ tốt hơn. Bà con có điều kiện tiếp cận thông tin, nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Thay mặt địa phương, tôi xin hứa sẽ vận động, tuyên truyền dân làng bảo quản, sử dụng hiệu quả hệ thống điện mặt trời”.
Ngày 15.1, cùng với lễ bàn giao hệ thống điện năng lượng mặt trời do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Công ty CP Cảng Quy Nhơn tổ chức, làng Canh Tiến còn tổ chức khánh thành Nhà văn hóa thôn. Cả làng đổ ra công trình mới múa hát, mổ heo, mổ bò ăn mừng. Ông Trần Kim Bằng, 66 tuổi, dân tộc Chăm, bày tỏ sự hân hoan: “Có điện rồi, tiếng cồng tiếng chiêng ở làng sẽ vang xa hơn. Bà con rất mong nhà nước làm cho con đường vào làng để đi lại, giao thương thuận lợi hơn”.
Gặp gỡ, trao đổi với bà con, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng cứ trăn trở, day dứt mãi với con số “cả làng chỉ có 4 hộ thoát nghèo”. Ông cho biết, tỉnh đã quyết định hỗ trợ 100% ngân sách xây dựng đập Ba Cây theo kiến nghị của nhân dân trong làng nhiều năm nay. Cách đây mấy tháng, đập Ba Cây đã được đưa vào sử dụng, phục vụ nước tưới cho 26 ha đất sản xuất. Tới đây, cần mở rộng diện tích tưới ít nhất cho 40 ha. Có nước để trồng lúa, có điện... đã giải quyết được căn cơ vấn đề sản xuất cho bà con. Làng Canh Tiến sẽ tiếp tục nghiên cứu để phát triển dịch vụ du lịch... “Với tư cách là Bí thư Tỉnh ủy, tôi đề nghị cán bộ huyện, xã, làng phải ngồi lại suy nghĩ về vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nên trồng cây gì, nuôi con gì ở đây để tạo điều kiện nâng cao đời sống cho bà con. Đặc biệt, 11 đảng viên Chi bộ làng phải tiên phong đi đầu trong thực hiện xóa đói giảm nghèo. Về phía lãnh đạo tỉnh, chúng tôi sẽ tiếp tục tạo điều kiện và kêu gọi DN hỗ trợ nhiều hơn nữa để các địa phương nhanh chóng thoát nghèo”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nói.
Bài, ảnh: Ngọc Quỳnh