“Nhà tôi 3 đời chữa bệnh” và những hệ lụy
Thời gian gần đây, tình trạng quảng cáo thuốc chữa bệnh sai sự thật trên mạng xã hội ngày càng phổ biến. Vì nhẹ dạ cả tin, nhiều người lâm vào cảnh tiền mất tật mang, để lại hậu quả nặng nề cho sức khỏe.
Quảng cáo thuốc tràn lan
“Nhà tôi 3 đời nhận chữa sỏi thận”, “Chấm dứt ngay cơn đau xương khớp”, “Tin vui cho bệnh nhân đái tháo đường”... Đó là những câu nói sẵn sàng chen ngang bất cứ lúc nào khi ti vi, máy tính của bạn đang phát các video trên ứng dụng YouTube. Nhiều người rất bực mình khi bị tra tấn bởi đủ các loại quảng cáo thuốc gia truyền, dù trước đó không hề tìm kiếm thông tin về lĩnh vực này.
Một quảng cáo gắn logo “Tin tức 24h” để người xem tin tưởng hơn vào công dụng “thần kỳ” của sản phẩm.
Nhà có 2 con nhỏ thích xem các phim hoạt hình và chương trình nhạc thiếu nhi, nên gia đình chị M.T.Q. (ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) thường mở YouTube trên ti vi mỗi ngày cho con xem. “Ban đầu thỉnh thoảng cũng có vài quảng cáo về sữa, thực phẩm... nhưng hơn 2 tháng gần đây thì rộ lên quảng cáo thuốc đông y. Một video nhạc thiếu nhi chưa đầy 5 phút mà 2 - 3 lần bị quảng cáo làm phiền. Mình lỡ tay nấu nướng thì không thể dùng điều khiển để bỏ qua quảng cáo, tụi nhỏ lại khó chịu, thật sự rất ức chế”, chị Q. chia sẻ.
Quá nhiều quảng cáo thuốc đông y xuất hiện tràn lan trên YouTube khiến người dùng ám ảnh. Nhiều người cho biết vẫn chấp nhận quảng cáo vì YouTube cần doanh thu, nhưng quảng cáo phải có liều lượng chừng mực và nội dung được kiểm duyệt chặt chẽ.
Công thức chung của các loại quảng cáo thuốc đông y là “nhà tôi 3 đời chữa...”, khẳng định trị dứt điểm với 1 liệu trình, không khỏi không lấy tiền... Tinh vi hơn, nhiều quảng cáo còn cắt ghép logo của các nhà đài, tạo những logo mô phỏng các kênh truyền hình, khiến người xem tin tưởng hơn vào công dụng “thần kỳ” của thuốc. Chưa dùng lại ở đó, những “nhà sản xuất” còn phỏng vấn “chuyên gia y khoa” lẫn người đã sử dụng và khỏi bệnh. Nhiều người trong cuộc đã lên tiếng thừa nhận nhân vật trong các quảng cáo kiểu này đều được thuê mướn, nội dung bịa đặt.
Đừng để tiền mất tật mang
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh Đỗ Trí Đức, các sản phẩm được quảng cáo trên YouTube là thuốc đông y có khả năng trị dứt điểm một số bệnh là không đúng sự thật, nói quá về tác dụng của sản phẩm. “Đa số các sản phẩm này đều là thực phẩm chức năng, không phải là thuốc chữa bệnh. Nhiều quảng cáo nói chỉ điều trị 1 liệu trình là khỏi, nhưng thực tế 1 liệu trình rất dài, nếu người bệnh chưa thấy đỡ, dừng sử dụng thì cũng đã mất nhiều tiền”, bác sĩ Đức phân tích.
Bác sĩ Đức cho rằng, người bệnh cần đến cơ sở khám chữa bệnh để khám, xét nghiệm, để được chỉ định, tư vấn cụ thể việc dùng đúng thuốc, đúng liều lượng, phù hợp với thể trạng từng người. Mua thuốc trên mạng dễ gặp phải tình trạng “tiền mất tật mang”, không có ai chịu trách nhiệm về sản phẩm.
Mặc dù việc xử phạt đã được cơ quan chức năng chú trọng, nhưng hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng không đúng quy định vẫn “làm mưa làm gió” trên các mạng xã hội như YouTube hay Facebook. Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong năm 2020, Cục đã xử phạt 45 cơ sở kinh doanh với tổng số tiền 2,9 tỷ đồng; đa số vi phạm là quảng cáo sản phẩm không phù hợp với tài liệu theo quy định.
Sản phẩm điều trị đái tháo đường cũng được quảng cáo rất nhiều trên mạng xã hội, thậm chí có cả clip kêu gọi người bệnh đái tháo đường “không được dùng thuốc tây”. Dù chưa có số liệu thống kê chính xác, nhưng bác sĩ Trưởng khoa Nội tiết BVĐK tỉnh Nguyễn Hoàng Vũ cho hay, tình trạng bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng do dùng thuốc không rõ nguồn gốc khá phổ biến.
“Bệnh nhân đang điều trị thì bỏ thuốc tây, chuyển sang thuốc đông y mua trên mạng, đến khi đưa vào viện trở lại thì đã hôn mê, biến chứng suy gan, thận. Có loại thuốc đông y có khả năng sử dụng cả nguyên liệu tây y đã cấm. Và, một sự thật rất quan trọng người bệnh cần hiểu rõ: Bệnh đái tháo đường không bao giờ chữa khỏi, không thể chữa dứt điểm như quảng cáo”, bác sĩ Vũ khẳng định.
Bài, ảnh: MAI LÂM