Cần phát huy hiệu quả nhãn hiệu Nước mắm Ðề Gi
Năm 2016, Làng nghề nước mắm Ðề Gi được công nhận làng nghề truyền thống. Tiếp theo đó, năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp chứng nhận nhãn hiệu Nước mắm Ðề Gi, tạo tiền đề đưa sản phẩm của làng nghề phát triển. Nhưng đến nay, người dân ở đây vẫn chưa mặn mà với nhãn hiệu của làng nghề mình.
Trăn trở với “Nước mắm Đề Gi”
Nghề sản xuất, chế biến nước mắm tại vùng biển Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) được hình thành từ lâu và được duy trì, phát triển cho đến nay trở thành làng nghề nước mắm truyền thống nức tiếng trong tỉnh. Theo thống kê của UBND xã Cát Khánh, toàn xã có hơn 300 cơ sở, hộ làm nước mắm, tập trung ở thôn An Quang Đông, An Quang Tây; mỗi năm sản xuất hơn 100 nghìn lít nước mắm cung cấp ra thị trường.
Nghề chế biến nước mắm truyền thống ở Đề Gi.
Theo ông Phạm Văn Đà, Phó trưởng thôn An Quang Tây, cả thôn có hơn 100 hộ làm nghề chế biến nước mắm, đều sản xuất theo phương pháp ủ chượp truyền thống, với nguyên liệu là cá và muối Đề Gi. Có nhiều hộ sản xuất nước mắm quy mô lớn, cung cấp từ 2.000 - 3.000 lít/năm ra thị trường cả nước. Tuy nhiên, vì một vài nguyên nhân, các hộ làm nước mắm ở An Quang Tây vẫn theo thói quen cũ, cung cấp sản phẩm cho mối quen nên hầu hết không có nhãn hiệu.
Tương tự, tại thôn An Quang Đông có hơn 200 hộ làm nước mắm, nhưng việc tiêu thụ sản phẩm vẫn theo kiểu “nhiều không”: Không gắn nhãn mác, xuất xứ, thông tin nguồn gốc… Ông Lê Văn Đô, chủ một cơ sở chế biến nước mắm tại đây, nói: “Trung bình mỗi năm cơ sở tôi sản xuất hơn 2.500 lít nước mắm, nhưng lâu nay chủ yếu tôi bán cho bạn hàng nhiều nơi, vì họ không yêu cầu nên tôi chưa làm nhãn mác, thông tin trên sản phẩm”.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, cho biết: Đến nay, cả xã chỉ có 3 cơ sở nước mắm là Thái An, Diệu Thủy, Hoa Quyên đăng ký nhãn hiệu. Còn hầu hết các hộ sản xuất thủ công số lượng nhỏ lẻ nên người dân chưa quan tâm đến việc sử dụng nhãn hiệu, bao bì… để tiêu thụ trên thị trường.
Có nhãn mác, giá bán tăng nhiều
Năm 2017, ngay khi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp chứng nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ, Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Phù Cát phối hợp với UBND xã, thôn trực tiếp làm việc với các hộ sản xuất nước mắm quy mô lớn, vận động người dân sử dụng nhãn hiệu cho sản phẩm và thông tin đầy đủ về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc sản xuất. Tuy nhiên, số lượng hộ kinh doanh đăng ký, đáp ứng các yêu cầu về cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, để sử dụng nhãn hiệu Nước mắm Đề Gi còn quá ít.
Anh Lưu Thái Cầu (thứ 2, từ trái sang) giới thiệu nước mắm Thái An - Đề Gi của cơ sở sản xuất nước mắm Thái An tại Hội chợ Xuân Bình Định năm 2021.
Anh Lưu Thái Cầu, chủ cơ sở nước mắm Thái An, một trong 3 cơ sở sử dụng nhãn hiệu Nước mắm Đề Gi, cho biết: “Việc có thêm nhãn hiệu Nước mắm Đề Gi trên sản phẩm nước mắm Thái An là thêm một phần bảo chứng về độ ngon, uy tín của nước mắm. Cùng với nhãn hiệu nước mắm Thái An - Đề Gi, chúng tôi công bố thông tin chất lượng, nguồn gốc để người tiêu thêm tin tưởng vào nước mắm của mình. Cũng là nước mắm ở Đề Gi nhưng khi có thêm nhãn mác, giá bán tăng lên nhiều”. Nhận thấy thị trường có nhu cầu lớn, cuối năm 2020, cơ sở nước mắm Thái An mở rộng quy mô, xây thêm nhà xưởng mới, chuẩn bị cho bước thành lập HTX Sản xuất nước mắm truyền thống Thái An - Đề Gi, liên kết với các hộ dân để tăng sản lượng, chất lượng; đồng thời tận dụng tốt giá trị của nước mắm truyền thống Đề Gi.
Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, nhãn hiệu Nước mắm Đề Gi mở thêm cơ hội để người dân làng nghề, sản phẩm làng nghề ngày càng phát triển. Chính vì thế, thời gian tới, xã tiếp tục vận động người dân làm nghề đăng ký nhãn hiệu để đảm bảo chất lượng sản phẩm có truy xuất nguồn gốc theo quy định. Đồng thời, đề nghị huyện, tỉnh hỗ trợ về khuyến công, quảng bá sản phẩm, quy hoạch làng nghề, tạo điều kiện cho người dân làng nghề phát triển sản xuất, mở rộng thị trường.
Bài, ảnh: THU DỊU - NGỌC NHUẬN