Chuẩn bị vào mùa lễ hội Xuân Tân Sửu
Hơn ba tuần nữa là đến tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Hiện nay, ngành Văn hóa và chính quyền các địa phương đã lên kế hoạch chuẩn bị nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật và các lễ hội để chào đón năm mới trong không khí vui tươi, an toàn.
Người dân nô nức trẩy hội chợ Gò (huyện Tuy Phước).
Theo kế hoạch, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân và lễ hội được tổ chức như: Chương trình nghệ thuật chào mừng 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2021), chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và đón chào năm mới Xuân Tân Sửu 2021 được Sở VH&TT tổ chức tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn) từ 21 đến 24 giờ, ngày 11.2.2021 (nhằm ngày 30 tháng Chạp năm Canh Tý); Hội Báo Xuân Tân Sửu; trưng bày biểu tượng linh vật; lễ hội kỷ niệm 232 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2021); trưng bày, giới thiệu, các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao, trò chơi dân gian phục vụ nhân dân và khách du lịch trong dịp Tết cổ truyền tại Bảo tàng Quang Trung, Đài Kính Thiên, Bảo tàng tỉnh Bình Định, các di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng và kháng chiến ở các địa phương…
Bên cạnh đó, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh còn tăng cường các buổi diễn và chiếu phim lưu động phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa trên địa bàn các huyện. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, quy mô tổ chức, nội dung chương trình các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và các lễ hội năm nay sẽ được tổ chức gọn gàng hơn, song vẫn đảm bảo không khí vui tươi.
Ông Đặng Hiếu Hân, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm VH-TT&TT huyện Tuy Phước, cho biết: Ngoài hội thi “Dựng cây nêu ngày Tết”, “Đua thuyền truyền thống”, hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, huyện còn tổ chức lễ hội Chợ Gò (mùng 1 Tết Nguyên đán) và lễ hội Đô thị Nước Mặn (29 tháng Giêng năm Tân Sửu). So với mọi năm, chương trình văn nghệ trong lễ hội Chợ Gò được Ban tổ chức rút ngắn, bỏ nội dung hội thi cờ người. Thay vào đó, huyện tổ chức trưng bày sản phẩm viết chữ thư pháp, các sản phẩm làng nghề truyền thống như: Bánh ít lá gai, nem chả chợ Huyện.
Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH&TT, cho biết: Để các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và lễ hội diễn ra an toàn, Sở sẽ phối hợp với đơn vị liên quan của tỉnh tăng cường chỉ đạo, quản lý hoạt động lễ hội, thực hiện đúng theo các quy định của nhà nước; thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội, chú trọng thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường và PCCC tại các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, nơi tổ chức lễ hội và các cơ sở lưu trú du lịch; kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các hoạt động mê tín dị đoan, đốt vàng mã, thả tiền, ném tiền, đặt tiền gây phản cảm ở nơi thờ tự; phá hoại cảnh quan môi trường trong lễ hội, làm ảnh hưởng đến lối sống, nếp sống văn hóa, không gian văn hóa tâm linh.
Đặc biệt, về vấn đề phòng, chống dịch Covid-19, ông Tạ Xuân Chánh khẳng định: “Ngành Văn hóa quán triệt các địa phương, đơn vị tổ chức lễ hội cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch của Thủ tướng, UBND tỉnh. Hiện nay, Phòng VH&TT, Trung tâm VH-TT&TT các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã và đang xây dựng các nội dung phòng, chống dịch Covid-19 trong công tác tuyên truyền trực quan bằng băng rôn, phướn; đồng thời, thu đĩa phát thông báo các khuyến cáo đảm bảo an toàn phòng dịch ở những địa điểm tổ chức lễ hội, hoạt động văn hóa, nghệ thuật để nhân dân thực hiện, góp phần tổ chức lễ hội an ninh, an toàn và văn minh”.
Bài, ảnh: TRỌNG LỢI