Việt Nam Phật giáo sử luận toàn tập
Tác giả tập sách Việt Nam Phật giáo sử luận toàn tập (ảnh) là GS Nguyễn Lang (một bút danh của thiền sư Thích Nhất Hạnh), do Nhà xuất bản Văn học phối hợp với Công ty sách Thời Đại ấn hành.
Việt Nam Phật giáo sử luận toàn tập gồm có 3 tập, với gần 1.165 trang, chia làm 40 chương, đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến lịch sử hình thành, phát triển của Phật giáo Việt Nam. Đây là công trình cơ bản nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến hiện đại. Bằng vốn kiến thức uyên bác về Phật giáo và tinh thần tôn trọng sự thật, tác giả đã xây dựng khá thành công bộ khung về lịch sử hình thành, phát triển của Phật giáo Việt Nam… Đồng thời, GS Nguyễn Lang cũng là người đầu tiên sử dụng những tư liệu Phật giáo để vạch lại chính xác hơn con đường Phật giáo vào Việt Nam, phân tích những khác biệt giữa các tông phái, nét độc đáo của Phật giáo Việt Nam trong sự dấn thân vào sứ mệnh giải phóng dân tộc.
Đáng lưu ý, Bình Định cũng để lại những dấu ấn sâu đậm trong Việt Nam Phật giáo sử luận toàn tập. Theo đó, Bình Định từng là vùng đất sớm có nền Phật pháp được “gieo mầm”. Ngay từ năm 1665 (Ất Tỵ), tại Nhơn Thành - An Nhơn đã ra đời chùa Thập Tháp (tức Thập Tháp Di Đà tự). Trải qua 355 năm, Phật giáo Bình Định đã có bước phát triển dài. Sách cũng đề cập đến những cơ sở thờ tự, những ngôi chùa nổi tiếng, như: Thập Tháp Di Đà, Long Khánh, Linh Phong, Bảo Tràng Huệ Giác… Cùng với đó là các vị danh tăng, nhà sư, như: Hòa thượng Nguyên Thiều, Thiền sư Phước Huệ, Thiền sư Phổ Huệ, Tịnh Giác Thiện Trì Đại Lão Thiền Sư (còn gọi là Lê Ban), Hòa Thượng Bích Liên - Trí Hải, Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, Thiền sư Kế Châu… Trong đó, Thiền sư Phước Huệ từng được tôn vinh là Quốc sư Phước Huệ và từng được mời vào giảng kinh trong hoàng cung nhà Nguyễn từ đời vua Thành Thái đến vua Bảo Đại, giảng dạy Phật pháp ở Phật học đường Trúc Lâm và Tây Thiên (Huế).
Đánh giá về Việt Nam Phật giáo sử luận toàn tập, GS Nguyễn Huệ Chi ghi nhận: “Bộ sách của GS Nguyễn Lang đáp ứng được nhu cầu khám phá cặn kẽ về Phật giáo Việt Nam - một thực thể tinh thần đã tồn tại hàng nghìn năm, không phải với tư cách một tôn giáo ngoại nhập, mà đã được bản địa hóa từ rất lâu, và vẫn được thường xuyên bản địa hóa, để trở thành một phần tâm linh dân tộc; không phải chỉ là một tôn giáo đơn thuần mà cao hơn hẳn thế, còn là một thành tố trọng yếu của văn hóa, tư tưởng…”.
VIẾT HIỀN