Tạo điều kiện cho thanh niên cống hiến, sáng tạo
Ðó là yêu cầu quan trọng do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đặt ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, Ðề án 500 trí thức trẻ và Ðề án 567, được tổ chức ngày 19.1.
Chị Ngô Dạ Liêu, đội viên Đề án 500 trí thức trẻ hiện đang làm công chức Văn phòng - Thống kê của UBND xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh). Ảnh: HỒNG PHÚC
Thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 (Chiến lược); Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 22.4.2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2014 - 2020 (Đề án 567) và Quyết định số 1758/QĐ-TTg ngày 30.9.2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020 (Đề án 500 trí thức trẻ), Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai Chiến lược và các đề án đạt nhiều kết quả quan trọng.
Nhiều dấu ấn lớn
Kết quả tổng hợp báo cáo thực hiện Chiến lược của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, về cơ bản, các chỉ tiêu đều đạt kế hoạch đề ra. Tính đến tháng 12.2020, tổ chức bộ máy làm công tác thanh niên của cả nước có 13.242 người. Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, đến nay, công tác quản lý nhà nước về thanh niên đã cơ bản khắc phục được tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với tổ chức Đoàn thanh niên hoặc “khoán trắng” cho tổ chức Đoàn thanh niên so với giai đoạn đầu thực hiện Chiến lược.
“Dấu ấn lớn nhất trong giai đoạn này là việc Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Thanh niên. Đây chính là nền tảng, là cơ sở quan trọng để các cấp, các ngành tiếp tục cụ thể hóa và hoàn thiện chính sách, pháp luật về thanh niên”, ông Tuấn cho biết.
Về Đề án 567, trong giai đoạn 2015 - 2020 đã bồi dưỡng cho 14.330 cán bộ, công chức trẻ của 2.293 xã/42 tỉnh trong phạm vi Đề án với tổng kinh phí triển khai thực hiện gần 29,8 tỷ đồng, đạt 87,8% kinh phí được cấp và đạt 53,7% kinh phí được phê duyệt. Tại Bình Định, năm 2019, tỉnh đã mở 10 lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước, kế toán ngân sách, thống kê, phổ biến giáo dục pháp luật và bồi dưỡng kỹ năng về công nghệ thông tin cho 594 lượt cán bộ, công chức trẻ. Qua đào tạo, bồi dưỡng, các cán bộ, công chức trẻ được bổ sung kiến thức, trang bị mới phương pháp tiếp cận về chính trị, pháp luật và quản lý nhà nước, năng lực tham mưu đạt hiệu quả hơn, nâng cao khả năng nắm bắt, tháo gỡ, xử lý, giải quyết những vướng mắc phát sinh trong thực thi nhiệm vụ.
Với Đề án 500, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các địa phương hoàn thành công tác tuyển chọn đội viên Đề án của 34 tỉnh với tổng số 500 đội viên. Sau 5 năm về xã, các đội viên đã đề xuất xây dựng, triển khai các đề án phát triển KT-XH, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới cho bà con nhân dân. Hằng năm, phần lớn đội viên được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đến nay, sau 5 năm về xã công tác, đã có 393/500 đội viên là đảng viên, 90 đội viên đã tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Tại Bình Định, đã có 11/15 đội viên là đảng viên, trong đó có 10 đội viên được kết nạp sau khi về xã công tác.
Cần có giải pháp căn cơ, bền vững, chính sách thiết thực, phù hợp để tạo điều kiện tốt nhất cho thanh niên cống hiến, sáng tạo.
- Trong ảnh: Thanh niên tình nguyện khám bệnh cho người dân xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn.
Cần giải pháp căn cơ, bền vững
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Nội vụ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030; tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tổ chức thực hiện Chiến lược và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm chăm lo, bồi dưỡng và phát triển toàn diện thanh niên.
“Phải đề ra những giải pháp căn cơ, bền vững, chính sách thiết thực, phù hợp để thu hút, tập hợp thanh niên, tạo điều kiện tốt nhất cho thanh niên cống hiến, sáng tạo, đóng góp hết mình để xây dựng quê hương”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đối với Đề án 567, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp ủy, chính quyền các cấp cần tuyên truyền, thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã nói chung, đội ngũ cán bộ, công chức trẻ nói riêng. Trong đó, đặc biệt quan tâm bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo ngành, lĩnh vực công tác cho cán bộ, công chức trẻ đang được phân công thực hiện nhiệm vụ tại các xã thuộc vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; cần xác định rõ nội dung, tập trung ưu tiên các chương trình phù hợp với đặc thù từng địa phương...
Đối với Đề án 500 trí thức trẻ, Bộ Nội vụ và các địa phương cần quan tâm giải quyết chế độ chính sách đối với đội viên. “Đội viên là những người trẻ xung phong về vùng khó, có nhiều tâm huyết. Các địa phương xét tuyển phù hợp với nhu cầu thực tiễn, đúng quy định của pháp luật nhưng cũng phải tính toán đến yếu tố đặc thù. Trước mắt, Chính phủ sẽ nghiên cứu phương án kéo dài Đề án đến tháng 12.2025 để gỡ khó cho các địa phương chưa bố trí được phương án tiếp nhận đội viên”, Phó Thủ tướng nói.
Bài, ảnh: NGUYỄN VĂN TRANG