Tết Thầy
Người Việt kính trọng người dạy học, trong tâm trí, thầy dạy học chỉ đứng sau cha mẹ. Tết đến xuân về không chỉ là lúc sum vầy với gia đình mà còn là dịp tri ân thầy cô giáo. Không phải tự dưng mà dịp tết Nguyên đán lại có một ngày riêng dành cho thầy cô, vì lẽ tự xa xưa ngạn ngữ Việt đã có câu “Mùng một tết cha mùng ba tết thầy”.
Nhắc đến tri ân thầy cô trong mỗi dịp Tết đến xuân về, xưa chuyện ngụ ngôn rằng có anh học trò nghèo mắc kẹt khi ai cũng có quà tết biếu thầy mà anh không có, nên anh đánh liều mang hai chai nước lã gói ghém thật kỹ lưỡng, tươm tất như là rượu đem biếu thầy. Nhận gói quà của anh học trò nghèo, người thầy lấy làm lạ lắm, khi khui dùng, thầy vỡ lẽ và hiểu tấm lòng học trò mình. Chuyện đến đấy thì chỉ có trò biết thầy biết. Mùng ba Tết năm ấy, khi có đông học trò đến thăm, thầy sai anh trưởng tràng (tên gọi học trò làm nhiệm vụ như lớp trưởng bây giờ) rót “rượu” cho mọi người cùng uống. Nhấp chén rượu ai cũng xôn xao ngạc nhiên nhưng không ai dám hỏi. Đợi học trò mình tĩnh lại, người thầy mới thủng thẳng kể lại nguồn cơn… Có thể thấy, tình thầy trò cốt ở tấm lòng chứ không phải ở giá trị vật chất. Và đã làm thầy thì ắt sẽ hiểu lòng trò.
Tết thầy là một nét đẹp trong văn hóa được người Việt giữ gìn và phát huy cho đến ngày hôm nay. Vào những dịp như thế này, học trò đến thăm hỏi để tỏ lòng kính trọng, biết ơn đối với thầy cô. Tuy nhiên, hiện nay một số học sinh tặng quà là để mong muốn có sự đối xử đặc biệt hơn, nên họ thường chọn những món quà có giá trị lớn để biếu tặng thầy cô. Điều này làm mất đi giá trị truyền thống tốt đẹp bao đời nay.
Tục ngữ ta có câu: “Của cho không bằng cách cho”, vì vậy quà gì không thật quá quan trọng mà quan trọng là tấm lòng chân thành biết ơn của học sinh được gửi gắm trong món quà đó. Phải chăng chăm ngoan, học giỏi để sau này trở thành một người có ích cho xã hội, đó mới chính là món quà lớn nhất dành tặng cho thầy cô.
T. YÊN