Mai và mai một
Mai một không phải là từ láy như không ít người nhầm. Đây là một từ Hán Việt được hình thành bằng phương thức ghép. Trong đó, mai (bộ thổ, liên quan tới đất) có nghĩa “chôn, vùi xuống đất”, như trong mai táng (“táng bằng cách chôn), mai danh ẩn tích (chôn tên giấu vết). Một (bộ thủy, liên quan tới nước) nghĩa là “chìm, lặn dưới nước”. Nghĩa gốc của mai một là “bị vùi, bị chìm đi”. Từ đó mới có nghĩa chuyển là “mất dần hoặc mất hẳn, không còn ai biết đến, do không được phát huy, sử dụng (nói về vốn quý tinh thần)” như Từ điển tiếng Việt đã giảng (Hoàng Phê chủ biên, 1992, tr.602).
Ngoài chữ mai bộ thổ trên, còn chữ mai bộ mộc (liên quan tới cây) cũng khá quen thuộc. Chữ mai này gắn liền với hoa mai. Bình Định là địa phương nổi tiếng cả nước về mai. Cây mai để lại dấu ấn trong nhiều địa danh ở Bình Định. Núi Huỳnh Mai (tức hoàng mai - mai vàng) là một địa danh như vậy. Đây là nơi mà sinh thời, cụ Đào Tấn (hiệu là Mộng Mai, biệt hiệu Mai Tăng đều liên quan đến hoa mai) chọn đặt sinh phần và có đề thơ. Bài thơ này là Đề Mai sơn thọ viên, tạm dịch là “đề thơ tại/cho sinh phần trên núi [Huỳnh] Mai”.
Lâu nay, ta cứ nghĩ chữ mai bộ mộc là “cây mai vàng”. Thật ra, trong tiếng Hán, chữ mai này có nghĩa là “cây mơ”, là loài cây “đầu xuân nở hoa, có hai thứ trắng và đỏ […], nở hết hoa rồi mới nẩy lá, quả chua, chín thì sắc vàng” (Thiều Chửu, Hán Việt tự điển, NXB Thanh Niên, tr.355) rất phổ biến ở Trung Quốc. Ở nước ta, vùng rừng núi động Hương Tích cũng có nhiều cây mơ. Điều này được Nguyễn Bính nhắc đến trong bài Cô hái mơ: “Thấp thoáng rừng mơ, cô hái mơ”.
Do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, ở Trung Quốc và cả miền Bắc nước ta, không phù hợp để cây mai vàng phát triển. Cây mai nở hoa vàng dịp tết Nguyên đán mà ta gọi là hoàng mai (hay gọn hơn là mai) chỉ phát triển tầm từ Quảng Trị trở vào. Cho nên, mai trong thơ văn Trung Quốc chính là “hoa mơ”, một loài hoa của xứ lạnh (nên mới có cách nói hàn mai - cây mơ chịu lạnh), không phải “mai vàng” là cây của xứ nóng. Để chỉ cây mai vàng của nước ta, tiếng Trung gọi là kim liên mộc.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ