Chưa phát huy nhãn hiệu được bảo hộ
Sau 2 năm triển khai xây dựng, hai nhãn hiệu chứng nhận cho hai sản phẩm “Muối Đề Gi” và “Hành hương Phù Cát” vừa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp văn bằng bảo hộ. Như vậy, đến nay, huyện Phù Cát có 4 sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ gồm nón ngựa Phú Gia, nước mắm Đề Gi, muối Đề Gi và hành hương Phù Cát.
Việc cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu là một trong những bước đầu để “định danh” cho sản phẩm để nâng cao hiệu quả kinh tế cho sản phẩm địa phương. Song, với 2 sản phẩm đã được cấp quyền bảo hộ là nón ngựa Phú Gia và nước mắm Đề Gi vẫn chưa phát huy được hiệu quả khi mà cả chính quyền địa phương và người dân dù chủ động tiếp cận nhưng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Trong dịp về làng nghề nước mắm Đề Gi, qua trao đổi với người dân làng nghề, trong 300 hộ dân làm nghề nước mắm truyền thống chỉ có 3 hộ đăng ký sử dụng nhãn hiệu “nước mắm Đề Gi”. Con số hiếm hoi đó cho thấy, người dân nơi đây vẫn chưa mặn mà với nhãn hiệu sản phẩm đã được bảo hộ. Nhiều hộ dân cho rằng, việc đăng ký sử dụng nhãn hiệu khá nhiều thủ tục, yêu cầu cơ sở vật chất... khiến người dân ngại thực hiện. Trong khi, hầu hết hộ làm nghề nước mắm truyền thống Đề Gi đều có “bạn hàng riêng”, tiêu thụ ổn định, nên không nghĩ đến việc phát triển thêm. Tương tự, ngay sau khi được cấp nhãn hiệu chứng nhận nón ngựa Phú Gia (năm 2016), đến nay chỉ có 6 hộ đăng ký kinh doanh và sử dụng nhãn hiệu “Nón ngựa Phú Gia” trên sản phẩm của cơ sở.
Rõ ràng, bảo hộ nhãn hiệu tạo cơ hội cho sản phẩm đặc trưng địa phương, sản phẩm làng nghề phát triển, nâng hiệu quả kinh tế. Song, thực tế ở Phù Cát, đến nay có rất ít hộ dân làng nghề đăng ký và sử dụng nhãn hiệu sau khi được bảo hộ. Theo cán bộ Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Phù Cát, chính quyền các cấp quan tâm, nhiều lần làm việc với người dân, tuyên truyền về lợi ích của sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ; đi cùng với quyền lợi là trách nhiệm của người dân khi đăng ký sử dụng nhãn hiệu.
Để sản phẩm đủ điều kiện được bảo hộ là nỗ lực chung của người dân, và các cấp chính quyền địa phương. Nhưng đến nay, không riêng Phù Cát mà nhiều địa phương khác trong tỉnh vẫn loay hoay với việc phát huy hiệu quả sử dụng các sản phẩm đã được bảo hộ độc quyền nhãn hiệu.
Ở đây, cùng với người dân, chính quyền địa phương phải tính đến việc tạo ra chuỗi phát triển, liên kết đầu ra cho sản phẩm. Từ đó, người dân ổn định sản xuất, nâng chất lượng, quan tâm đúng mức đến việc phát triển sản phẩm có gắn nhãn hiệu.
QUANG BẢO