Phát huy vai trò gia đình trong ngăn ngừa tội phạm
Thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/TW giữa Hội LHPN Việt Nam và Bộ CA về “Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” giai đoạn 2017 - 2020, Hội LHPN tỉnh và CA tỉnh đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động hiệu quả, góp phần phòng ngừa các loại tội phạm từ gia đình.
Đa dạng và hiệu quả
Với phương châm phòng ngừa là chính, việc thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/TW về “Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” (gọi tắt là Nghị quyết 01) được Hội LHPN và lực lượng CA các cấp trong tỉnh chủ động, tích cực phối hợp triển khai. Với hình thức hoạt động phong phú, đa dạng, nhằm góp phần phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội (TNXH) ngay từ trong gia đình.
Một trong những nội dung trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ phụ nữ, người thân trong gia đình không phạm tội và mắc các TNXH. Trong đó, chú trọng truyền thông về tính nêu gương ở ông bà, cha mẹ, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng giáo dục, quản lý con em nhằm thay đổi nhận thức, hành vi ở các đối tượng có nguy cơ cao, đối tượng đặc thù.
Người dân hưởng ứng chung tay xây dựng “Khu dân cư bình yên” thôn Mỹ Bình 1, xã Hoài Phú (TX Hoài Nhơn) tại buổi ra mắt mô hình.
Trong 3 năm đã phối hợp tuyên truyền tại 415 điểm (trong đó có 152 buổi về phòng, chống xâm hại tình dục, ma túy tại 149 điểm trường học); tuyên truyền trực tiếp 529 lượt về ATGT, tặng 240 áo phao cho học sinh ở dọc tuyến thủy nội địa; giáo dục pháp luật và tuyên truyền cá biệt 299 lượt cho 1.835 thanh thiếu niên thường xuyên vi phạm về ATGT; tổ chức 55 buổi Diễn đàn “CA lắng nghe ý kiến người dân”...Trong công tác phối hợp phát hiện, giải quyết các vụ việc phạm tội và TNXH, hai ngành đã tuyên truyền, phát động, vận động toàn dân tham gia phòng, chống các loại tội phạm tại 619 điểm với hơn 137,7 nghìn lượt người tham gia. Qua đó, quần chúng, phụ nữ đã tố giác, cung cấp cho lực lượng CA 375 nguồn tin có giá trị, giúp xác minh điều tra làm rõ 276 vụ việc.
Đáng ghi nhận, lực lượng CA và Hội LHPN đã tham mưu xây dựng và chủ công thực hiện nhiều mô hình ANTT ở cơ sở. Đến nay có 3 nhóm loại mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ về ANTT với hơn 803 đơn vị thực hiện. Trong đó, nhiều mô hình cho hiệu quả cao và bền vững, được nhân rộng, như mô hình “2 vận động, 2 tố giác” được nhân rộng ở 57 khu dân cư, 85 cơ quan, DN, trường học; mô hình dòng tộc, họ tộc “Không tội phạm và tệ nạn xã hội” như: họ Đào, họ Nguyễn, họ Phạm, họ Bùi, họ Đinh, họ Đặng, họ Võ hoạt động hiệu quả; mô hình “Xóm bình yên, gia đình hòa thuận” của xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước) được nhân rộng trên toàn huyện và một số xã, phường ở TX Hoài Nhơn; mô hình “Camera an ninh” ở xã Hoài Châu (TX Hoài Nhơn) đã được nhân rộng ở hầu hết các địa phương trong tỉnh với hơn 50 đơn vị triển khai tại 1.500 điểm... Đến nay, số địa bàn phức tạp về ANTT còn 18/159 xã, phường, thị trấn; 1.120/1.122 khu dân cư đạt tiêu chuẩn an toàn về ANTT (đạt tỷ lệ 99,8%).
Phát huy vai trò phụ nữ
Theo CA tỉnh, việc thực hiện Nghị quyết 01 đã tác động trực tiếp đến nhận thức của hội viên, phụ nữ đối với công tác giữ gìn ANTT trong thời kỳ hội nhập, cũng như tạo chuyển biến tích cực trong quản lý, giáo dục con em, người thân để không sa vào các TNXH và vi phạm pháp luật. Nội dung phối hợp giữa hai ngành đã xuất phát từ yêu cầu, tình hình thực tiễn, đúng đối tượng, đúng nội dung, góp phần kiềm chế sự gia tăng của tội phạm và TNXH, tạo môi trường xã hội lành mạnh.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đặng Thị Hồng Hạnh cho hay, điểm xuất phát và ý nghĩa cốt lõi của Nghị quyết 01 là lấy gia đình làm thiết chế bền vững nuôi dưỡng, rèn luyện nhân cách con người, bảo vệ các thành viên trước các loại tội phạm và TNXH. Do vậy, việc thực hiện Nghị quyết với phần lớn hoạt động xuất phát từ góc độ gia đình có ý nghĩa lớn phát huy vai trò chủ thể của phụ nữ trong quản lý, giáo dục con em, người thân cũng như tham gia giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan.
“Thời gian tới, Hội đã xác định tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục hội viên về vai trò, trách nhiệm của người phụ nữ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, TNXH và bảo vệ ANTT. Mỗi người phụ nữ trong gia đình phải là tấm gương mẫu mực trong chấp hành pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm; đồng thời xác định trách nhiệm và lựa chọn được phương pháp đúng đắn trong quản lý, giáo dục người thân, tăng cường khả năng phát hiện các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật”, bà Hạnh nhấn mạnh.
SAO LY