Lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021
Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 là 6,5%, nhưng WB, IMF và các tổ chức quốc tế còn dự báo lạc quan hơn...
Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 là 6,5%, nhưng Ngân hàng thế giới (WB) còn lạc quan hơn với dự báo 6,7%. Kỳ vọng này dựa trên yếu tố ổn định vĩ mô của Việt Nam vẫn duy trì. Đây là lần đầu tiên Việt Nam chịu tác động bất ổn toàn cầu nhưng vẫn giữ được ổn định vĩ mô trong vòng 30 năm qua.
Theo mô hình dự báo của Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam dự báo đạt 5,49% (kịch bản cơ sở), 6,9% (kịch bản cao) và 3,48% (kịch bản thấp).
Khả năng đạt được mỗi kịch bản trong thực tế phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới và sự tăng cường năng lực hấp thụ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo đó, các dự báo của tổ chức quốc tế và chỉ tiêu tăng trưởng mà Chính phủ Việt Nam đã đề ra sẽ đạt được chỉ trong kịch bản cao khi mà kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh, giá dầu ổn định hỗ trợ tăng trưởng và nền kinh tế nội địa cải thiện được khả năng hấp thụ vốn FDI.
Ba kịch bản tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam là dự báo đạt 5,49% (kịch bản cơ sở), 6,9% (kịch bản cao) và 3,48% (kịch bản thấp). (Ảnh minh họa)
PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, giai đoạn tới là thời kỳ nhiều rủi ro, rất khó đoán định. Trong bối cảnh đó, cần nhận diện rõ hơn và cần trả lời rõ hơn câu hỏi liệu các yếu tố đã giúp Việt Nam thành công trong việc đạt mục tiêu kép năm 2020 có còn được tiếp tục duy trì không trong năm 2021.
“Mọi dự báo đưa ra đều có tính mạo hiểm. 3 kịch bản nêu trên là kết quả của các nghiên cứu dựa trên các phương pháp có cơ sở, nhằm đóng góp vào bức tranh về triển vọng kinh tế. Nếu để dịch lan ra trong cộng đồng, ngay cả kịch bản thấp cũng là khó khăn”, ông Bùi Quang Tuấn nói.
PGS.TS Bùi Quang Tuấn lưu ý: Cần tránh chủ quan cho rằng Việt Nam đang ở nhóm tăng trưởng cao nhất thì có nghĩa là nhiều vấn đề về cơ cấu và chất lượng tăng trưởng đã được giải quyết, trái lại các điểm nghẽn vẫn cần phải được tập trung tháo gỡ một cách quyết liệt.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, chuyển đổi số là cú hích quan trọng và là trụ cột nền tảng để nâng đỡ quá trình phục hồi, tăng cường năng lực chống chịu và cải thiện chất lượng tăng trưởng theo hướng hiệu quả, xanh và bền vững. “Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để có thể bứt phá và tăng tốc nhờ khoa học công nghệ và tiệm cận dần với giai đoạn của đổi mới sáng tạo, một số lĩnh vực có thể bước cùng với các nước đã đi trước như công nghệ 5G, chuyển đổi số, công nghệ nano… Đây là cơ hội hiếm có để thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực”, PGS.TS Bùi Quang Tuấn nhận định.
TS. Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế cấp cao, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, tăng trưởng khoảng 7% trong bối cảnh Việt Nam vẫn phải ứng phó với những bất ổn toàn cầu vừa là khát vọng vừa là áp lực của Việt Nam.
Theo TS. Nguyễn Xuân Thành, điểm sáng của năm 2021 để có thể nghĩ đến kịch bản kinh tế lạc quan gồm: ổn định vĩ mô và hỗ trợ kinh tế; phục hồi đầu tư doanh nghiệp tư nhân và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng; sự nối lại của dòng vốn đầu tư nước ngoài; phục hồi sức mua trong nước.
Song, chuyên gia này cũng chỉ ra một số yếu tố rủi ro cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021, là việc chậm trễ phân phối vaccine; căng thẳng thương mại; xáo trộn và đứt gãy chuỗi cung ứng; lãi suất tăng trở lại…
TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng CIEM
Đánh giá cao các gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp vượt qua Covid-19, nhưng TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM bày tỏ quan điểm, nhà nước nên có chính sách khuyến khích chứ không phải chỉ là chính sách hỗ trợ. Cần tập trung nguồn lực Nhà nước để giải ngân hiệu quả các dự án đầu tư công có tác động ngay tới tăng trưởng và kích thích tăng trưởng...
“Cần khuyến khích doanh nghiệp mới, ngành nghề mới xuất hiện nhiều hơn nữa chứ không chỉ cứu những doanh nghiệp đã chết. Bởi cứu những doanh nghiệp này sẽ tốn kém hơn rất nhiều. Trong bối cảnh kinh tế này, nên có chính sách khuyến khích yếu tố mới chứ không phải chính sách hỗ trợ”, TS. Nguyễn Đình Cung khẳng định, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng, từ nhiều năm nay, mục tiêu tăng trưởng đưa ra đều đạt được. Kinh nghiệm cho thấy chắc chắn sẽ đạt được.
Tại cuộc họp mới đây với Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia và Tổ tư vấn kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Chúng ta đã chuẩn bị cho một nền tảng quan trọng cho năm 2021 và 5 năm tiếp theo một cách căn bản, về năng lực sản xuất kinh doanh, về hệ thống kinh tế vĩ mô. Người dân đã vào cuộc mạnh mẽ trước thử thách của dịch bệnh, có thể nói một dân tộc bừng lên sức sống mãnh liệt, đoàn kết thống nhất cao, ý chí khát vọng phát triển, đây chính là nền tảng rất quan trọng để chúng ta thổi luồng sinh khí mới trong phát triển thời gian tới, thực hiện các nhiệm vụ đặt ra cho năm 2021 và các năm tiếp theo.
Theo Trần Ngọc (VOV.VN)