Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bầu cử
(BĐ) - Ngày 21.1, Bộ Chính trị và Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt chỉ thị của Bộ Chính trị triển khai công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp (nhiệm kỳ 2021 - 2026).
Tại điểm cầu Trung ương, các đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Quốc hội - Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia; Trần Quốc Vượng - Thường trực Ban Bí thư, chủ trì hội nghị.
Tại điểm cầu Bình Định, dự hội nghị có các đồng chí: Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Phi Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh (ảnh).
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp (nhiệm kỳ 2021-2026) diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cả nước đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, một sự kiện chính trị trọng đại của Đảng ta, đất nước ta và dân tộc ta, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ, phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn trong thời kỳ mới.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe quán triệt Chỉ thị số 45 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử; chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức cuộc bầu cử; hướng dẫn về công tác nhân sự, tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND ở cấp xã; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND trong bầu cử bổ sung…
Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội - Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân tin tưởng rằng, hội nghị sẽ góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về ý nghĩa, tầm quan trọng, các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về cuộc bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND và về vị trí, vai trò của Quốc hội, HĐND, trách nhiệm người đại biểu nhân dân để nhân dân lựa chọn bầu trong nhiệm kỳ tới. Qua đây cũng đề cao và phát huy quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, giúp các cấp, các ngành, địa phương tiến hành triển khai tổ chức tốt nhất các hoạt động bầu cử nhằm tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Sau Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội - Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia đề nghị, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Trung ương MTTQ Việt Nam, các tỉnh, thành phố và các cơ quan hữu quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện tốt, đúng các mốc thời gian cuộc bầu cử theo luật định như quyết định cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.
Ngay sau Hội nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp để xem xét, thông qua các nội dung công việc thuộc thẩm quyền để thông báo về địa phương. Sau đó sẽ tiến hành việc ứng cử, hiệp thương, lựa chọn giới thiệu người ứng cử, lập và công bố danh sách người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND, thành lập các tổ chức bầu cử ở địa phương, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và bảo đảm ANTT, công tác kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử để cuộc bầu cử bảo đảm đúng sự lãnh đạo của Đảng, thực sự dân chủ, đúng pháp luật, lựa chọn được những đại biểu tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân tham gia Quốc hội và HĐND các cấp.
Tin, ảnh: NGUYỄN HÂN